Bão số 3 vừa tan, lại thêm một áp thấp nhiệt đới mới hình thành gần biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sau khi cơn bão số 3 WIPHA vừa tan thì một áp thấp nhiệt đới mới lại hình thành gần biển Đông.

Cụ thể, hồi 10 giờ ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 120,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc của đảo Luzon (Philippines).

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8; áp thấp nhiệt đới chủ yếu di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h.

Đến 22h ngày 23/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, 10-15 km/h và có khả năng mạnh thêm trên vùng biển phía Đông của Bắc Biển Đông. Lúc này áp thấp nhiệt đới đạt cấp 7, giật cấp 9.

Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới mới hình thành gần biển Đông. Ảnh: nchmf.
Đến 10h ngày 24/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Nam Tây Nam, tốc độ 5-10 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão trên vùng biển phía Đông của Bắc Biển Đông. Lúc này bão đạt cấp 8, giật cấp 10.

Đến 22h ngày 24/7, bão di chuyển theo hướng Đông, tốc độ khoảng 10 km/h trên vùng biển phía Đông của Bắc Biển Đông, cường độ đạt cấp 8, giật cấp 10.

Đến 10h ngày 25/7, bão đi theo hướng Đông Bắc, tốc độ đạt 20- 25 km/h trên vùng biển phía Bắc của đảo Luzon (Philippin), cường độ đạt cấp 7, giật cấp 9.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Theo nhận định ban đầu của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sau khi vào biển Đông, áp thấp nhiệt đới/bão ít khả năng di chuyển sâu vào biển Đông mà di chuyển ngược trở lại Tây Bắc Thái Bình Dương.

Cảnh báo tác động của áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do tác động của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 2,0-3,5m. Biển động mạnh.Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.