(Dân trí) – Chồng tôi nói câu đó không chỉ một lần. Bất kể lúc buồn hay vui, lúc nhà có khách hay không, anh lại kể chuyện đó khiến tôi vừa ấm ức, vừa xấu hổ.

10 năm trước, tôi về nhà chồng, không mặc áo cưới, không có xe hoa đón đưa. Hành trang mang theo chỉ là vài bộ quần áo và cái thai 3 tháng tuổi.

Hồi ấy, nhà chồng tôi nghèo, thuộc diện nghèo nhất làng, nhất xã. Nhưng tôi đang ở tuổi mới lớn, ôm mộng tưởng “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”. Lại gặp đúng anh chàng nói năng “ngọt như mía lùi” với bao lời nỉ non, hứa hẹn nên tôi đã tin và trao anh cái quý giá nhất của đời con gái.

Ngày anh dắt tôi về nhà, nói rằng tôi có thai, bố mẹ anh không tiếc lời quát mắng: “Trời ạ, đến cái ăn còn chẳng đủ, tiền đâu mà cưới xin, tiền đâu mà nuôi con ở cái tuổi còn ham chơi bời này chứ?”. Chồng tôi khẳng khái bảo: “Không cần làm đám cưới cũng được, chỉ cần lên xã đăng ký kết hôn là được”.

Hết bố mẹ anh, lại đến mẹ tôi khóc lóc: “Đúng là làm thân con gái, khôn ba năm, dại một giờ. Giờ bụng mang dạ chửa thế kia, nó không cưới cũng phải chịu cho nó mang không về nhà chồng chứ sao. Khổ ơi là khổ”.
Tôi quyết ly hôn vì chồng lặp đi lặp lại một câu nói suốt 10 năm - 1Tôi không thể nghĩ, người nói những lời khó nghe nhất dành cho tôi lại chính là chồng tôi (Ảnh minh họa: ShutterStock).

Ở tuổi 18-19, tôi còn nhiều mộng mơ. Lấy chồng, không cưới hỏi, không lễ lạt, xe hoa khiến tôi rất tủi thân. Lại thấy mẹ đi ra, đi vào, than thở con gái lấy chồng đến miếng trầu thưa chuyện cũng không có. Thật tình, tôi cũng có chút trách mình.

Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng chỉ học hết cấp 3 nên cũng chẳng biết làm gì ngoài làm ruộng. Ngay sau khi cưới, bố mẹ chồng quyết định để con trai tự lập bằng cách cắt cho miếng đất ra ở riêng, cho thêm 4 sào ruộng để cày cấy. Chồng tôi xưa nay ham chơi, ông bà cũng không muốn “ôm rơm rặm bụng” làm gì nữa.

Dù bụng mang dạ chửa, tôi vẫn phải ngày hai buổi phơi lưng ngoài đồng. Gặp vụ mùa thì cấy cày, gặt hái. Lúc nông nhàn thì bắt cua, cắt cỏ. Trời thương, dù ăn uống kham khổ, không có ngày nghỉ ngơi, con gái tôi vẫn khỏe mạnh chào đời đủ ngày, đủ tháng.

Đường cao tốc được mở ra, chạy qua cánh đồng làng. Nhà tôi cũng như nhiều gia đình khác được đền bù đất nên đổi đời trong chớp mắt. Chồng tôi bắt đầu theo bọn thanh niên trong làng tập tành ăn chơi, tiêu xài hoang phí.

Anh hay dẫn bạn về nhà nhậu nhẹt, làm ồn khiến con không học bài được. Tôi góp ý thì anh nổi cáu: “Tôi nói cho mà biết, là cô theo không tôi về nhà này, chứ tôi chẳng cần cưới xin gì nhé. Khôn hồn thì im cái mồm, còn mà cứ lèo nhèo là tôi trả về nơi sản xuất đấy”.

Lần đầu tiên nghe câu ấy, tôi sững sờ, không nghĩ chồng sẽ nói vậy. Nhớ hồi mới lấy nhau, trong căn nhà trống không có một tài sản gì đáng giá, anh suốt ngày động viên tôi.

Nào là “anh không cho em cái đám cưới là thiệt thòi cho em, nhưng anh sẽ thương em thật nhiều để bù lại”. Nào là “gái xinh đầy đường, có cho anh cũng chẳng thèm, chẳng ai dám vì anh mà chịu khổ như em”.

Vậy mà giờ đây, khi có chút tiền, anh bắt đầu coi thường tôi, coi tôi là dạng phụ nữ không có chút giá trị.

Anh nói câu đó không chỉ một lần. Bất kể lúc nào, kể cả lúc buồn hay lúc vui, lúc nhà có khách hay hội họp đông người, chồng tôi lại kể chuyện ngày xưa tôi theo anh về nhà không tốn một xu.

Một lần, bên nhà chồng họp bàn đám cưới. Biết nhà gái ra điều kiện tráp lễ này kia, chồng tôi bảo: “Không cần cháu ơi, lấy vợ đâu cần tốn kém làm gì. Cứ làm cho bạn gái mang bầu như chú đây, chẳng cần mất một đồng nào cũng có vợ theo về tận nhà”.

Lúc đó, cả nhà đang đông đúc, ai cũng cười như nghe chuyện hài. Tôi chỉ biết cúi gằm mặt, vừa xấu hổ, vừa tủi thân.

Tôi kể với chị chồng, không ngờ mẹ chồng nghe thấy. Bà nói, chồng tôi nói vậy không sai, rằng nhà bà vốn không muốn cưới hỏi, chỉ vì đứa cháu mà chịu cho tôi về làm dâu.

Vậy nên, tôi đừng có hỗ láo với chồng. Coi chừng sống được thì sống, không thì bỏ sớm để con trai họ còn kiếm đám khác, dù gì anh cũng còn trẻ.

Tôi nghe xong bỗng cảm thấy rất buồn cười. Chồng tôi này nọ không nói, đến mẹ chồng cũng nói như vậy thì tôi chịu. Dù gì, mẹ cũng là phận đàn bà, không thương con dâu thì cũng nên thương hai đứa cháu của mình. Mẹ chồng nói vậy có khác gì muốn phá gia đình con cái.

Dù chịu nhiều ấm ức, khó chịu, tôi chưa từng nghĩ sẽ bỏ chồng. Trừ khi anh bồ bịch bên ngoài, về nhà đánh vợ, chửi con, nếu không, tôi sẽ cố gắng giữ cho con một mái nhà trọn vẹn, chẳng hay ho gì chuyện bỏ chồng.

Vài hôm trước, con gái tôi làm bài kiểm tra bị điểm kém. Chồng tôi biết được, chửi mắng con bé rất thậm tệ. Anh nói: “Mày không lo học, coi chừng mới nứt mắt đã yêu đương. Sau này lại như mẹ mày, theo không đàn ông thì họ khinh cho cả nhà”.

Con gái tôi mới 10 tuổi, sao anh có thể nói những lời như vậy? Nhìn con bé khóc mà tôi không chịu nổi, liền tuyên bố: “Tôi nói cho anh biết, ngày xưa tôi không cần cưới hỏi vì tôi nghĩ anh là người tử tế, chứ không phải vì tôi thấy bản thân không đáng giá. Những lời anh nói, tôi đã nghe suốt 10 năm nay, tôi không muốn nghe thêm nữa”.

Đêm đó, tôi ngồi viết đơn ly hôn. Dĩ nhiên, chồng tôi không chịu ký, còn nói tôi chỉ giỏi dọa.

Mẹ tôi nói tôi nông nổi, làm gì có kiểu dễ dàng ly hôn như thế. Tôi “theo không” anh về, chịu cực khổ, thiệt thòi vì anh, không có lý gì khi hết khổ, hết nghèo lại rời đi. Còn con tôi, chúng không đáng phải chịu khổ. Mình bỏ chồng thì mình thiệt, chứ đàn ông lấy vợ mấy hồi.

Tôi biết mẹ cũng có những nỗi lo của mẹ, dù khuyên đúng hay sai cũng xuất phát từ lòng thương con. Nhưng 10 năm hôn nhân, tôi đã nhìn rõ lòng dạ của chồng mình. Anh không tôn trọng tôi, buông lời sỉ nhục tôi bất cứ lúc nào, bất cứ với ai chỉ vì tôi đã làm vợ anh mà không có đám cưới.

Có thể, cuộc hôn nhân của tôi đã sai ngay từ khi bắt đầu. Nhưng sai thì sửa, chẳng có gì khó khăn. Vợ chồng một khi đã coi thường nhau, sống chung cũng chỉ là một gánh nặng.