Thời gian nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó trường phổ thông được quy định rõ hơn tại thông tư có hiệu lực vào ngày 22-4.

thời gian nghỉ hè - Ảnh 1.

Trong thời gian nghỉ hè, giáo viên thường vẫn được điều động đi coi thi, chấm thi – Ảnh: NAM TRẦN

Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, bao gồm cả hiệu trưởng và hiệu phó. Văn bản này có hiệu lực vào ngày 22-4.

Hiệu trưởng, hiệu phó có “nghỉ hè”

Việc nghỉ hằng năm bao gồm nghỉ hè của giáo viên thực hiện theo quy định tại nghị định 84/2020/NĐ-CP. Theo đó, căn cứ vào kế hoạch năm học, điều kiện cụ thể từng trường mà hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ cho giáo viên, đảm bảo quy định, đảm bảo khung thời gian năm học.

Trong thời gian nghỉ hè, giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, tham gia công tác thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh khi được cơ quan có thẩm quyền triệu tập. Thời gian nghỉ lễ, Tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.

Hiệu trưởng, hiệu phó được quy định thời gian nghỉ hè - Ảnh 2.

Học sinh nghỉ rét, 100% giáo viên vẫn tới trườngĐỌC NGAY

Tại thông tư mới được Bộ GD-ĐT ban hành và có hiệu lực nêu rõ thêm thời gian nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó được bố trí linh hoạt trong năm học và trong thời gian nghỉ hè của giáo viên để đảm bảo hoạt động của nhà trường. Lịch nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó được báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, một số hiệu trưởng, hiệu phó ở Hà Nội cho biết trước đây không có quy định nào rõ ràng về thời gian nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó nên các nhà trường vẫn “linh hoạt” nhưng luôn lo lắng, không yên tâm.

“Hà Nội cũng từng có hướng dẫn các trường bố trí linh hoạt để ban giám hiệu thay nhau nghỉ hè, đảm bảo mỗi hiệu trưởng, hiệu phó được nghỉ trọn vẹn 1 tháng hè trong năm học. Nhưng việc này chưa từng được quy định rõ trong thông tư của Bộ GD-ĐT trước đây nên việc nghỉ hè với cán bộ quản lý cấp trường vẫn không chính danh.

Tôi biết ở nhiều nơi, hiệu trưởng, hiệu phó không có hè, hoặc chỉ bố trí thay phiên nhau nghỉ và trực xen kẽ trong tuần khiến cho cán bộ quản lý cấp trường không có thời gian nghỉ đủ dài khoảng 1-2 tuần vào dịp hè”, một phó hiệu trưởng cấp THCS của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết.

Giáo viên làm việc 42 tuần/năm học

Theo quy định mới, chế độ làm việc của giáo viên phổ thông là trong 42 tuần, số tuần giảng dạy nội dung giáo dục là 37 tuần (35 tuần thực dạy, 2 tuần dự phòng). Số tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ là 3 tuần. Số tuần chuẩn bị cho năm học mới và tổng kết năm học là 2 tuần.

Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai dịch bệnh, hoặc trường hợp cấp bách phải điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học thì số tuần giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền.

Định mức tiết dạy/tuần

Thông tư quy định định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên THCS là 19 tiết/tuần và giáo viên THPT là 17 tiết/tuần.

Giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học có định mức tiết dạy là 21 tiết/tuần. Giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú THCS có 17 tiết/tuần và giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú THPT là 15 tiết/tuần.

Ngoài định mức tiết dạy, giáo viên các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú tham gia các nhiệm vụ khác theo phân công của hiệu trưởng.

Giáo viên trường, lớp dành cho người khuyết tật có định mức 21 tiết/tuần ở cấp tiểu học, 17 tiết/tuần ở cấp THCS và 15 tiết/tuần ở cấp THPT. Giáo viên làm tổng phụ trách Đội được tính từ 2-6 tiết tùy theo loại hình trường, cấp học. Quy định định mức tiết dạy với hiệu trưởng là 2 tiết/tuần và hiệu phó là 4 tiết/tuần.

Ngoài ra thông tư trên cũng quy định việc quy đổi hoạt động chuyên môn ra tiết dạy, trong đó bổ sung thêm một số trường hợp được quy đổi so với quy định cũ.

Cụ thể, quy đổi tiết dạy trực tuyến, dạy tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số, dạy liên trường, dạy học sinh ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp, dạy phụ đạo cho học sinh chưa đạt yêu cầu học tập, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi theo phân công của hiệu trưởng, giáo viên được phân công làm ban giám khảo trong các cuộc thi hoặc hội thi của giáo viên cấp trường thì 1 tiết tham gia chấm trực tiếp được tính bằng 1 tiết định mức…