Hơn 1000 người tham gia cứu hộ, tìm kiếm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, tàu gặp nạn mang tên Vịnh Xanh 58, số hiệu QN-7105, là tàu du lịch vỏ sắt, đóng năm 2015, chở 49 người (46 khách du lịch và 3 thuyền viên).

Tàu xuất phát tham quan lúc 12 giờ 55 ngày 19-7 (thứ Bảy), hành trình tham quan Vịnh Hạ Long (hang Sửng Sốt – Đảo Titop). Đến khoảng 14 giờ 5 phút, tàu gặp gió mạnh, bất ngờ lật úp và mất liên lạc GPS.

Ngay sau khi nhận thông tin vụ việc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp khẩn và chỉ đạo toàn bộ lực lượng, phương tiện từ Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Công an tỉnh, Quân khu 3, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cùng hàng trăm thợ lặn chuyên nghiệp triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn suốt đêm 19-7.
tau-lat-vinh-ha-long-6.JPGCác lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm nạn nhân mất tích trong đêm 19-7. Ảnh: NS
Tổng cộng đã huy động gần 1.000 người, hơn 100 phương tiện tàu, xuồng và các thiết bị lặn chuyên dụng từ nhiều đơn vị cùng nhiều doanh nghiệp, ngư dân địa phương tình nguyện hỗ trợ tìm kiếm.

Tỉnh cũng lập Sở Chỉ huy gồm Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, UBND tỉnh Quảng Ninh tại trụ sở Hải đội Biên phòng 2 – Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để tiếp tục chỉ huy, điều hành tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Đến 01 giờ 40, ngày 20-7, các lực lượng chức năng trục vớt được tầu và tìm thấy 45/49 người (10 người sống và 35 người đã tử vong), còn 4 người mất tích chưa tìm thấy.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết trong số 35 người chết, đã hoàn thành thủ tục khám nghiệm, xác định danh tính 31 người. Tỉnh đã hỗ trợ trước mắt 25 triệu đồng/người thiệt mạng để lo mai táng, đồng thời hỗ trợ thêm 5 triệu đồng với các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh cũng bố trí xe, nơi ở tạm thời, và tổ chức đưa thi thể về quê an táng.

‘Sự việc đặc biệt đau thương’

Trước đó, sáng 20-7, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã họp để tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn đắm tàu trên Vịnh Hạ Long do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường.

Tại đây, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc với các gia đình bị nạn, đồng thời nhấn mạnh, đây là sự việc đặc biệt đau thương, xảy ra do yếu tố diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết.

Trước tình huống khẩn cấp, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thể hiện rõ sự quan tâm, sẻ chia và tấm lòng của tỉnh đối với người dân.

Đã bàn giao 35 thi thể cho gia đình các nạn nhân

Thông tin tại buổi họp, Thượng tá Cù Quốc Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, cho hay vào hồi 13 giờ 45 ngày 19-7, tàu Vịnh Xanh 58 (QN-7105) xuất bến từ Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long tham quan Vịnh Hạ Long theo Tuyến số 2.

Khi đang trên đường hành trình về cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, đến khu vực giữa Hòn Gà Chọi và Hòn Cô Đơn thì gặp giông, lốc đánh khiến tàu bị lật úp.
2-hop-bao-lat-tau-vinh-ha-long.jpgThượng tá Cù Quốc Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NGUYỄN HINH
Ngay sau khi nhận được tin báo xảy ra vụ tai nạn, các lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu.

Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, CSGT huy động 14 tàu, xuồng và trên 200 cán bộ, chiến sĩ công an phối hợp với các lực lượng và ngư dân chia thành 28 mũi để triển khai ngay các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đưa người bị thương vào cấp cứu tại các bệnh viện, bảo vệ tài sản của người bị nạn.

35/35 thi thể nạn nhân được tìm thấy đã được bàn giao về cho gia đình các nạn nhân; cùng với đó tiếp tục tổ chức tìm kiếm diện rộng để tìm kiếm các nạn nhân vẫn đang mất tích.

Tranh thủ tìm kiếm tối đa trước khi bão số 3 vào

Tại cuộc họp báo, Đại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Ninh, cho biết vụ việc lật tàu trên vịnh Hạ Long do sự xuất hiện của cơn lốc rất lớn, đột ngột.

Ngay khi nhận được thông tin, Bộ CHQS tỉnh đã báo cáo xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy để xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các lực lượng thành lập sở chỉ huy để tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn.
3-hop-bao-lat-tau-vinh-ha-long.jpgĐại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, thông tin tại buổi họp. Ảnh: NGUYỄN HINH
Theo đó, đã huy động tối đa các lực lượng trên địa bàn. Trong đó khoảng 1.000 người và trên 100 phương tiện tham gia công tác cứu nạn. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh cũng đã động viên được hơn 500 ngư dân thông thạo luồng lạch tham gia tìm kiếm, trục vớt con tàu.

Đến thời điểm này, Sở Chỉ huy đang tiếp tục chỉ đạo các lực lượng thay phiên nhau, huy động tối đa… để tranh thủ giờ vàng để tìm kiếm các nạn nhân.

Theo Đại tá Thuyết, cơn bão số 3 hiện đã đi vào biển Đông, dự kiến đi vào khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.

“Chỉ còn thời gian rất ngắn thôi. Đến khi bão vào, chúng tôi buộc phải dừng tìm kiếm. Thời gian chỉ còn trong ngày hôm nay và đêm nay, hy vọng sẽ tìm kiếm được nạn nhân mất tích” – Đại tá Hoàng Văn Thuyết nói.

Cơ quan công an tỉnh đang tích cực để tổ chức diện rộng tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Đồng thời, chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh điều tra làm rõ vụ việc theo đúng quy định.

Kích hoạt phương án ứng phó khẩn cấp

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Bùi Mạnh Hùng cho hay ngay sau khi nhận được thông tin, Sở đã khẩn trương kích hoạt phương án ứng phó khẩn cấp, huy động hệ thống cấp cứu ngoại viện toàn tỉnh, triển khai 31 xe cứu thương và 37 kíp cấp cứu nội – ngoại viện thường trực tại cảng Bãi Cháy và Hải Đội 2.
4-hop-bao-lat-tau-vinh-ha-long.jpgPhó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Bùi Mạnh Hùng. Ảnh: NGUYỄN HINH
Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận chín nạn nhân sống sót, trong đó có một bệnh nhân đã được ra viện.

Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận một người là bệnh nhi 10 tuổi. Sáng nay, cháu bé đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương theo nguyện vọng của gia đình.

“Như vậy, đến nay, còn 8 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tất cả đều có tình trạng sức khoẻ ổn định” – ông Hùng thông tin.

Ngoài ra, ngành y tế Quảng Ninh cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và địa phương trong công tác bảo quản thi thể, liên hệ người thân, hỗ trợ phương tiện vận chuyển đưa các nạn nhân xấu số về nhà tang lễ phường Việt Hưng, sau đó hỗ trợ gia đình đưa các thi thể về nơi an táng.

Lãnh đạo Sở Y tế đã đến thăm các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, đồng thời tham mưu và triển khai hỗ trợ 5 triệu đồng/người cho 10 nạn nhân đang điều trị; hỗ trợ 25 triệu đồng/người cho gia đình 35 nạn nhân tử vong.

Tin cảnh báo có dông lốc gửi đến khi tàu xuất bến

Cũng theo ông Bùi Hồng Minh, việc cấp phép cho phương tiện hoạt động trên biển được thực hiện theo quy định. Trong trường hợp này, các điều kiện cần đảm bảo bao gồm an toàn về kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; chứng chỉ và các điều kiện cần đạt đối với thuyền viên; và các điều kiện về thời tiết.

“Chúng tôi căn cứ vào thông tin dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Nhiều năm nay, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cảng vụ có hợp đồng riêng với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, với 3 bản tin/ngày, căn cứ đó có hướng quản lý, cấp phép xuất bến đối với tàu thuyền sao cho phù hợp” – theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh.
6-hop-bao-lat-tau-vinh-ha-long-bui-hong-minh.jpgPhó Giám đốc Sở Xây dựng Bùi Hồng Minh.
Cạnh đó, hôm qua 19-7, bản tin dự báo thời tiết được cập nhật lúc 6 giờ 30 và lúc 10 giờ đều thông báo vịnh Hạ Long có gió giật cấp 2, cấp 3, không có cảnh báo gì thêm.

Đến 13 giờ 30, bản tin bổ sung cảnh báo có dông lốc, trong khi đó tàu xuất bến vào lúc 12 giờ 45.

Ngay sau khi nhận được thông tin về dông lốc trong bản tin bổ sung, cảng vụ đã thông báo dừng cấp phép toàn bộ các phương tiện tàu du lịch, đồng thời thông tin trên nhóm có các chủ tàu để các chủ tàu chủ động với các tình huống xấu.

Vẫn theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bùi Hồng Minh, tối 19-7, một số tàu ven bờ vẫn tiếp tục hoạt động, do vào lúc 15 giờ đã có thông tin của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia về việc thời tiết đã trở lại bình thường. Do đó, theo quy định hiện nay thì việc hoạt động gần bờ không làm ảnh hưởng, gây nguy cơ đến du khách.

Sau khi có chỉ đạo của Trung ương, công văn của Cảng vụ Đường thủy và Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tạm dừng cấp phép rời cảng, bến đối với các phương tiện vận chuyển khách trên địa bàn.

Ngoài ra, các quy định về quy trình cảnh báo và hướng dẫn tàu thuyền xử lý khi có hiện tượng thời tiết bất thường được triển khai thực hiện thường xuyên, đảm bảo an toàn. Cụ thể, khi nhận được thông tin dông lốc, thời tiết bất lợi cho tàu thuyền hoạt động trên biển, ngay lập tức các thuyền trưởng sẽ nhận được thông tin, sau đó triển khai việc đưa tàu về nơi tránh trú an toàn, hướng dẫn hành khách trên tàu chủ động khi gặp sự cố.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, rà soát lại quy trình để có hướng dẫn cụ thể hơn trong từng tình huống, để các thuyền trưởng có thể chủ động hơn, không lúng túng trong việc thực hiện quy trình, hướng dẫn” – ông Minh nói.

Tàu Vịnh Xanh có đủ điều kiện an toàn?

Thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn kỹ thuật đối với các tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, ông Bùi Hồng Minh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, nói: Hiện nay, tại Nghị quyết 4088 của UBND tỉnh đã có quy định về các nội dung này, đảm bảo an toàn cao hơn quy phạm của đăng kiểm.
6-hop-bao-lat-tau-vinh-ha-long-bui-hong-minh.jpgÔng Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NGUYỄN HINH
Quyết định 43 của UBND tỉnh về quản lý tàu du lịch cũng khuyến khích 15 tiêu chí về an toàn và chất lượng của tàu du lịch, cao hơn quy chuẩn quốc gia.

Hiện, 100% tàu du lịch trên vịnh Hạ Long có chất lượng an toàn đảm bảo cao hơn tiêu chuẩn quy định. Đơn cử, tàu Vịnh Xanh đạt tiêu chuẩn về hệ số an toàn và ổn định là 2,3 (trong khi tiêu chuẩn của đăng kiểm là hơn 1).

Về việc du khách có bắt buộc mặc áo phao hay không, ông Minh cho biết theo quy định hiện hành, chỉ có hành khách trên phương tiện vận chuyển khách ngang sông mới bắt buộc mặc áo phao trong suốt hành trình. Còn đối với các phương tiện thông thường khác, chỉ phải mặc áo phao khi có nguy cơ mất an toàn, theo hướng dẫn của thuyền trưởng.

“Trong vụ tai nạn lật tàu Vịnh Xanh 58, có đến gần 90% nạn nhân khi được tìm thấy đều có mặc áo phao. Tức là trước đó thuyền trưởng đã có cảnh báo với các hành khách về việc mặc áo phao, sẵn sàng ứng phó với sự cố” – ông Minh nói.

Lãnh đạo tỉnh lý giải việc không sử dụng trực thăng để cứu nạn

Trao đổi tại buổi họp báo về việc tại sao không sử dụng máy trực thăng để tham gia cứu nạn, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết nếu đi tàu từ đất liền ra đến khu vực xảy ra tai nạn chỉ khoảng 15-20 phút, do đó việc sử dụng máy bay là không cần thiết.

“Việc sử dụng máy bay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, chỗ đỗ, nhất là lại xảy ra trên biển nên trường hợp này là chưa cần thiết” – ông Công nói thêm.

Dông lốc xảy ra quá bất ngờ

Thông tin thêm về công tác ứng cứu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công, cho biết lực lượng chức năng nhận được thông tin về vụ tai nạn vào lúc 15 giờ 30 phút.

Ngay khi lãnh đạo UBND nhận được thông tin đã báo cáo Bí thư Thành ủy, báo cáo lên Trung ương theo quy định và lập tức phân công nhiệm vụ.
8-hop-bao-lat-tau-vinh-ha-long.jpgPhó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Quyết Tiến đã ra trực tiếp ra hiện trường để chỉ đạo. Các công việc còn lại thực hiện theo đúng quy chế làm việc. Các đơn vị đã phối hợp nhịp nhàng từ Y tế, Công an, Biên phòng… Tuy nhiên, do thông tin đến chậm vì nhiều nguyên nên việc ra hiện trường có độ trễ.

“Cơ chế vận hành không phải bây giờ mới bàn mà đã quy định, phân công nhiệm vụ từ trước” – ông Nguyễn Văn Công nói.
7-hop-bao-lat-tau-vinh-ha-long.jpgChính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh Hoàng Văn Thuyết trả lời báo chí tại buổi họp báo.
Trước câu hỏi của các phóng viên về việc vì sao tàu xảy ra sự cố lúc 14 giờ mà đến 15 giờ 30 phút các đơn vị mới nhận được thông tin, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh Hoàng Văn Thuyết cho biết dông lốc xảy ra quá bất ngờ.

“Hôm qua chúng tôi có dự đại hội cơ sở. Ngoài ra, trưa hôm qua rất nắng, oi, hơn 40 độ nhưng chỉ gần 15 phút sau, khoảng 14 giờ, trời đang từ nắng đã thành mưa, thậm chí có mưa đá, dông lốc rất to. Các đồng chí có thể thấy đúng thời điểm đó là tàu mất tín hiệu” – ông Thuyết cho biết.

Clip: Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh Hoàng Văn Thuyết trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan vụ lật tàu Vịnh Xanh ở vịnh Hạ Long.
Theo Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, thời điểm kết thúc mưa lốc là khoảng 15 giờ, lúc đó lực lượng chức năng mới nhận được thông tin.

“Nếu có tàu đi cạnh nhau sẽ thông tin được ngay, ứng cứu được. Nếu chúng tôi nhận được thông tin sớm thì không bao giờ có chuyện đó. Thời điểm đó dông lốc mù mịt, rất khó để nhận ra có tàu bị nạn” – ông Thuyết khẳng định và cho biết nguyên nhân cụ thể như nào sẽ do cơ quan điều tra kết luận.

Tiếp lời ông Thuyết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói ngay khi nhận được thông tin đến vụ tai nạn là lực lượng chức năng đã điều phương tiện đi ngay, tối đa 15 phút đã có mặt ở hiện trường.

“Giữa một vùng biển không thể nào thấy được, nếu tàu thuyền đi qua nhìn thấy sẽ thông tin ngay, ngư dân mà thấy họ cũng sẽ thông tin ngay” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải thích và cho biết điều đó có nghĩa không phải lực lượng chức năng biết thông tin về vụ tai nạn mà không ra ứng cứu kịp thời.

‘Con số người mất cần sự chính xác tuyệt đối’

Liên quan đến phản ánh của các cơ quan báo chí trước những số liệu về thuyền viên, hành khách không đồng nhất trong các thông báo của cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công cho biết việc xác định chính xác số lượng các nạn nhân trên tàu cần có sự điều tra, xác minh của cơ quan công an.
9-hop-bao-lat-tau-vinh-ha-long.jpg
“Con số cần sự chính xác tuyệt đối” – ông Công nói và cho hay việc này đòi hỏi quá trình làm việc rất nghiêm túc, cần nhiều thời gian của lực lượng công an. Bởi dù đã có báo cáo của cảng vụ nhưng vẫn có thể phát sinh thông tin, số liệu khác.