Theo luật sư, nếu tài sản của Bùi Đình Khánh được xác định có được do hành vi phạm tội, cơ quan chức năng sẽ tịch thu sung quỹ Nhà nước, nếu không, có thể xem xét trả lại cho anh ta.

Trong vụ án Mua bán trái phép chất ma túy đặc biệt nghiêm trọng mới được Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá, nghi phạm Bùi Đình Khánh (31 tuổi, ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) thường xuất hiện trên mạng xã hội với hình ảnh xa hoa, lối sống sang chảnh. Anh ta thường xuyên đi du lịch và sử dụng những món đồ hiệu đắt đỏ như điện thoại Vertu hay xế hộp Porsche.

Chỉ khi sự việc bị phát giác tối 17/4, thân phận thực sự của Khánh mới bại lộ.

Từ vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi về việc số tài sản của Khánh có thể bị xử lý ra sao? Công an có quyền tịch thu, xung ngân sách Nhà nước đối với số tài sản đắt tiền của nghi phạm không?
Xử lý tài sản của kẻ liên quan vụ bắn công an ở Quảng Ninh như thế nào? - 1Trên mạng xã hội, Bùi Đình Khánh thường đăng tải hình ảnh với xe sang, điện thoại xịn cùng cuộc sống xa hoa, sang chảnh (Ảnh: FB).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Đối với trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ tập trung phân loại, làm rõ nguồn gốc số tài sản của Khánh, trong đó xác định chính xác nguồn gốc hình thành tài sản từ đâu, và số tiền mua tài sản có phải tiền do hành vi phạm tội mà có hay không. Quá trình sàng lọc, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phân loại tài sản làm 2 nhóm, đó là tài sản có được do hành vi phạm tội và tài sản không phải vật chứng, không ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án.

Đối với số tài sản là tài sản có được do hành vi phạm tội (nếu có), việc xử lý sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, những người có thẩm quyền thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá và ra quyết định về việc xử lý vật chứng.

Nếu vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; trường hợp vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước. Trường hợp vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Như vậy, đối với số tài sản được xác định là vật chứng, tài sản do phạm tội mà có, những phương tiện này sẽ bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Còn với các tài sản không phải vật chứng hoặc là vật chứng nhưng cơ quan tố tụng xét thấy không ảnh hưởng tới quá trình xử lý vụ án, thi hành án thì sẽ được trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp đối với tài sản đó.
Xử lý tài sản của kẻ liên quan vụ bắn công an ở Quảng Ninh như thế nào? - 2Hình ảnh Khánh xuất hiện cùng điện thoại Vertu và xe sang Porsche (Ảnh: F.B).

Tuy nhiên, việc xem xét trả lại tài sản hay không cần được thực hiện một cách hết sức cẩn trọng, khéo léo và tỉ mỉ bởi đối với các vụ án mà xuất hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng người khác, một trong những vấn đề quan trọng là khả năng khắc phục hậu quả của người phạm tội.

Do đó, đối với các tài sản có thể không phải là vật chứng, không liên quan tới hành vi phạm tội, để có thể xem xét trả lại tài sản hay không (trong trường hợp không phải vật chứng của vụ án), cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải đánh giá về khả năng khắc phục hậu quả của đối tượng để từ đó áp dụng các quy định của pháp luật một cách khéo léo, hiệu quả.