Gặp NSƯT Bùi Như Lai khi anh đang tất bật với nhiều việc ở Trường ĐH Sân khấu&Điện ảnh. Dù rất bận rộn nhưng anh vẫn dành ra chút ít thời gian cho phóng viên để chia sẻ về chuyện phim và nghề. Mỗi vấn đề đều được nam nghệ sĩ gạo cội trả lời một cách thẳng thắn và rõ ràng để khán giả hiểu rõ về công việc anh đang theo đuổi và cống hiến hơn.

Tôn trọng, học hỏi ở các NSND Trung Anh, NSND Công Lý khi đóng vai cha

– Hình tượng người cha trong phim giờ vàng VFC đã từng có nhiều hình mẫu nổi bật như NSND Công Lý với “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc” hay NSND Trung Anh trong “Về nhà đi con”, khi nhận vai ông Chinh trong “Cha tôi, người ở lại”, NSƯT Bùi Như Lai có áp lực gì và làm sao để giảm những áp lực đó?

NSƯT Bùi Như Lai – bố Chính phim ‘Cha tôi, người ở lại’: ‘Đón nhận những thứ tự nhiên chứ không cưỡng ép’- Ảnh 2.

NSƯT Bùi Như Lai gây ấn tượng khi vào vai bố Chính trong “Cha tôi, người ở lại”.

+ Tôi đã làm nghệ thuật 25 năm nên cũng không gặp áp lực khi nhận vai diễn bố Chính trong “Cha tôi, người ở lại”. Với 2 người nghệ sĩ thế hệ trước, tôi dành cho họ lòng tôn trọng nhiều hơn. Ngoài ra nghề của chúng tôi là nghề học hỏi lẫn nhau. NSND Trung Anh hay NSND Công Lý đều là những người đã khẳng định được tên tuổi và tài năng của mình trong lòng công chúng lẫn anh em bạn nghề. Qua đó để thấy vai trò, khả năng lẫn sức lan tỏa của họ. Vì vậy, thế hệ chúng tôi đi sau thì sẽ tiếp nhận, học hỏi về chất lượng, cách thức làm việc, sự chuyên nghiệp, còn áp lực thì thường dành cho người trẻ hơn.

Về nhân vật trong các phim vừa nhắc thì mỗi câu chuyện có một số phận khác nhau. Vậy nên dù hình tượng 3 người cha có chút tương đồng nhưng thực tế đây là ở 3 bộ phim, 3 hoàn cảnh khác nhau. Chính vì vậy tôi thấy mọi sự so sánh trong nghệ thuật đều là khập khiễng. Tôi cũng cố gắng để không so sánh mình với các anh chị đi trước, cũng như không so sánh mình với các đồng nghiệp.

Tôi luôn luôn cố gắng tạo ra một lối diễn xuất, tạo ra một hình tượng, một nhân vật theo đúng nội dung câu chuyện. Vì cách nghĩ ấy nên các nhân vật mà tôi thủ vai đều mang màu sắc riêng biệt, cụ thể vai diễn (bố Chính) trong “Cha tôi người ở lại” không hề bị trùng lặp.

– Kịch bản gốc của “Cha tôi, người ở lại” là “Lấy danh nghĩa người nhà” rất nổi tiếng trong những năm về trước, khi vào vai diễn này, anh đã có những góp ý gì để vai diễn của mình Việt hóa một cách tốt nhất?

+ Mọi người đang so sánh giữa bản gốc với bản Việt nhưng không để ý một điều đã là bản “làm lại” thì sẽ có sự sáng tạo trong đó. Trong bản Việt như khán giả xem về nghề nghiệp của các nhân vật đều đã được làm khác đi và Việt hóa rất nhiều. Tôi lấy ví dụ như nhân vật ông Bình trong “Cha tôi người ở lại” được đưa thêm phần hát văn, chèo, xẩm, đó là một cái tôi cho rằng đã Việt hóa thành công.

Bên cạnh đó, những nhân vật được chuyển hóa về nghề nghiệp lẫn về đời sống như tôi làm kỹ sư xây dựng. Cái thay đổi đó tạo nên đời sống các nhân vật khác nhau. Sự thay đổi này theo tôi là sự thành công rất lớn của đạo diễn và ê-kíp trong phim “Cha tôi, người ở lại”.

NSƯT Bùi Như Lai – bố Chính phim ‘Cha tôi, người ở lại’: ‘Đón nhận những thứ tự nhiên chứ không cưỡng ép’- Ảnh 3.

NSƯT Bùi Như Lai và dàn diễn viên chính trong phim “Cha tôi, người ở lại”.

Tôi không thích sự so sánh bản kia thế này, tại sao bản này lại thế khác. Tôi muốn khán giả nhìn thấy sự nỗ lực sáng tạo của ê-kíp phim “Cha tôi, người ở lại” khi phát sóng. Thực ra trên thế giới, văn hóa được phép chuyển đổi, tôi mong rằng trong tương lai không xa khán giả cởi mở hơn với việc việc chuyển đổi này. Như vậy thì anh em nghệ sĩ sẽ không phải vừa làm vừa lo lắng xem khán giả họ phản ứng gì.

– Trong phim “Cha tôi, người ở lại”, có cảnh nào làm khó được anh và khiến anh phải phân tích cảm xúc nhân vật rất lâu mới diễn ra được?

+ Tôi không gặp nhiều khó khăn trong vai diễn ông Chính trong phim “Cha tôi, người ở lại”. Chúng tôi được đào tạo bài bản để sống cuộc đời của một người khác thì mọi vai diễn đều phải làm được.

NSƯT Bùi Như Lai – bố Chính phim ‘Cha tôi, người ở lại’: ‘Đón nhận những thứ tự nhiên chứ không cưỡng ép’- Ảnh 4.

NSƯT Bùi Như Lai còn là đạo diễn ở các nhà hát kịch.

Còn việc để tạo nhân vật viral hay chạm đến cảm xúc của khán giả thì điều này bắt buộc người nghệ sĩ phải tiếp cận nhân vật trước đã. Thực tế, trong lúc diễn, chúng tôi không tính đến việc phải viral, bởi vì điều đó khán giả tiếp nhận sau. Chúng tôi chỉ cố gắng làm một bản diễn tốt nhất và cố gắng làm sao có những câu thoại gần gũi nhất với nghề nghiệp của nhân vật.

Trong phim này, tôi vào vai kỹ sư xây dựng thì tôi phải học cách đọc bản vẽ như thế nào rồi cách ứng xử hành động trong đời sống ra sao. Và ê-kíp đã cố gắng hội ý làm sao chúng tôi có được mô-típ nhân vật mang nhiều nét đặc trưng cũng như điển hình nhất. Với vai diễn của tôi, nòng cốt của nhân vật là tình thương, tình yêu dành cho những người trong gia đình. Chúng tôi bám rất chặt và chắc vào nội dung cốt lõi ấy.

“Tôi không tham lam nhưng cố gắng hoàn thiện tốt nhất công việc”

– Là một người làm quản lý cũng là một người làm nghệ thuật, anh tách bạch 2 vai trò này như thế nào để việc làm nghệ thuật được thăng hoa, chạm được đến trái tim khán giả?

+ Tôi cùng một lúc đang thực hiện khá nhiều vai trò ở trường quản lý đào tạo, lên lớp với vai trò giảng dạy sinh viên, đi làm phim với vai trò diễn viên, đến nhà hát với vai trò đạo diễn. Thực tế, chẳng có cách nào khác ngoài việc tách ra từng việc. Ví dụ, khi tôi rẽ vào khu văn công Mai Dịch (Trường Đại học Sân khấu&điện ảnh), tôi nhắc trong đầu rằng mình là một thầy giáo và đang đi vào môi trường giáo dục. Còn khi đi vào nhà hát thì tôi nhắc mình đang là một đạo diễn, ra đến phim trường thì tôi nhắc mình là một diễn viên.

Với từng hoàn cảnh như vậy, tôi có sự nhắc nhở như thế thì sẽ không bị lẫn vai trò. Để có được điều đó, tôi đã phải rèn luyện thói quen tách bạch từng việc trong nhiều năm. Thực tế, tôi không phải tham lam công việc nhưng tôi cố gắng hoàn thiện tốt nhất những phần việc mà mình được giao.

NSƯT Bùi Như Lai – bố Chính phim ‘Cha tôi, người ở lại’: ‘Đón nhận những thứ tự nhiên chứ không cưỡng ép’- Ảnh 5.

Nam nghệ sĩ gạo cội hiện là Phó Hiệu trưởng Đại học Sân khấu&Điện ảnh, phụ trách mảng đào tạo.