Bộ phim “Cha tôi, người ở lại” sắp khép lại. Khi phim ra mắt, đã có nhiều khán giả đặt câu hỏi rằng, liệu bản Việt có làm hài lòng những ai từng yêu mến phiên bản Trung Quốc hay không? Đến nay, nhìn lại hành trình đã qua, Trần Nghĩa chấm điểm vai diễn của mình thế nào? Có điều gì khiến anh còn tiếc nuối?
– Làm hài lòng những người đã yêu bản gốc là điều rất khó, vì họ đã có ấn tượng sâu sắc với phiên bản cũ. Ngay từ đầu, tôi không đặt mục tiêu chinh phục nhóm khán giả đó. Tôi muốn tiếp cận những người chưa từng xem bản gốc, khiến họ cảm nhận được nhân vật từ phiên bản Việt.
Bộ phim chỉ còn 3 tập nữa là kết thúc, tôi tin rằng, vẫn sẽ có người thích, có người không thích. Song, tôi nghĩ, điều quan trọng là bản remake (làm lại – PV) phù hợp với văn hóa và đời sống người Việt. Tôi nghĩ mình đã làm tốt điều đó và với tôi vai diễn đã trọn vẹn.
Diễn viên Trần Nghĩa.
Nhân vật Nguyên trong “Cha tôi, người ở lại” nhận được nhiều lời khen nhưng cũng có một số bình luận cho rằng, Trần Nghĩa “diễn quá trầm”, “thiếu sức sống”, thậm chí có đoạn hơi “đơ”… Khi đọc những nhận xét như vậy, anh phản ứng ra sao?
– Tôi không đọc quá nhiều bình luận vì hiểu rằng, 9 người thì 10 ý, tôi không thể đi giải thích với từng người. Tuy nhiên, tôi tin, ai thật sự hiểu phim, hiểu hoàn cảnh nhân vật sẽ nhìn nhận khác.
Tôi luôn tôn trọng mọi ý kiến. Ai góp ý đúng, tôi lắng nghe, còn nếu nhận xét mang tính cá nhân, tôi cũng ghi nhận để suy ngẫm, chứ không bác bỏ. Với tôi, quan trọng nhất là đạo diễn và biên kịch – nếu họ hài lòng với cách tôi thể hiện – đó là thành công nhất định.
Suốt quá trình quay phim, mỗi tập tôi đều cố gắng chọn ra một điểm nhấn cảm xúc để làm thật tốt. Có lúc mình mệt, cảm xúc không tới, bị ốm – nhưng khán giả đâu quan tâm lý do – họ chỉ thấy kết quả. Vì vậy, tôi hiểu mình phải tự vượt qua, không được viện cớ.
Anh phản hồi thế nào trước ý kiến nói rằng, diễn xuất của Trần Nghĩa một màu – vẫn buồn buồn, ít biến hóa, thiếu đột phá – từ “Mắt biếc” đến “Mùa hè đẹp nhất” và giờ là “Cha tôi, người ở lại”?
– Tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi vì sao thường gắn bó với hình tượng thanh xuân nhiều hoài niệm. Nếu ai nói tôi một màu, tôi không trách, nhưng có thể họ chưa xem hết các dự án tôi tham gia. Mỗi vai tôi nhận có màu sắc riêng, dù các nhân vật đều có chiều sâu cảm xúc.
Chẳng hạn, ở Nhà trọ Balanha, tôi vào vai một sinh viên ngây ngô, mơ mộng, sống trong thế giới màu hồng, hài hước và dí dỏm. Trong Chúng ta của 8 năm sau, nhân vật của tôi lại có phần tưng tửng, vui vẻ. Với Đội điều tra số 7, tôi đóng tội phạm. Còn Cha tôi, người ở lại, đó là một người đàn ông trầm mặc, sống nội tâm vì mang nhiều tổn thương trong quá khứ.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, có thể mọi người thấy các vai có điểm giống nhau, song cảm xúc bên trong mỗi nhân vật hoàn toàn khác biệt. Tôi không cố gắng làm mới chỉ bằng tạo hình hay tóc tai mà muốn khán giả nhớ đến nỗi đau, sự giằng xé, cái “hồn” của nhân vật.
Nam diễn viên trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.
Không bao giờ “cảm nắng” bạn diễn
Khán giả cảm nhận rõ sự im lặng, trầm tính trong các vai diễn của anh. Nhiều người cho rằng, Trần Nghĩa “diễn bằng ánh mắt” hơn là lời thoại. Phong cách đó có xuất phát từ chính tính cách của anh ngoài đời?
– Tôi là người khá trầm tính, sống nội tâm nhưng không phải cứ trầm là lên phim sẽ diễn được vai trầm. Quan trọng là mình cảm được nhân vật đến mức nào. Với tôi, diễn không chỉ bằng lời, mà còn bằng ánh mắt, biểu cảm và cả sự im lặng đúng lúc.
Tôi học cách diễn ấy từ cuộc sống xung quanh. Tôi không sống hào nhoáng. Tôi thích quan sát, nghe mọi người kể chuyện – từ bạn bè đến người lạ gặp ngoài đường.
Tôi ghi nhớ nhiều chi tiết nhỏ, rồi dùng chúng làm chất liệu khi cần thể hiện cảm xúc. Những điều đó không sách vở nào dạy được, nhưng lại rất thật và sống động.
Nam diễn viên thừa nhận ngoài đời mình cũng là người trầm tính, hướng nội.
Trần Nghĩa sở hữu gương mặt khá trẻ so với tuổi thật, điều này giúp anh thuận lợi khi vào vai học sinh, sinh viên. Nhưng ở chiều ngược lại, anh có thấy đây cũng là điểm bất lợi khi muốn thử sức với những vai trưởng thành, từng trải hơn?
– Tôi hiểu điều đó. Khi ngoại hình trẻ, việc được giao những vai chín chắn, từng trải đôi khi khiến đạo diễn phải cân nhắc. Nhưng nếu để ý, hầu hết các vai tôi từng đóng đều yêu cầu chiều sâu cảm xúc, mà điều này không phụ thuộc vào tuổi tác hay vẻ ngoài, mà phụ thuộc vào nội lực bên trong.
Ở Việt Nam hiện nay, kịch bản dành cho diễn viên từ 30 tuổi trở lên vẫn chưa nhiều. Khán giả cũng thường ưu ái gương mặt trẻ. Nhưng tôi tin, khi đến thời điểm phù hợp, với nhiều trải nghiệm sống hơn, tôi sẽ có cơ hội đảm nhận những dạng vai như người đàn ông có gia đình, vai diễn từng trải, nhiều va đập.
Nếu cần thiết, tôi sẵn sàng thay đổi ngoại hình như tăng cân, đổi kiểu tóc, tạo hình, miễn sao khán giả tin vào nhân vật và cảm nhận được câu chuyện mà tôi thể hiện. Tôi không ngại thử thách, miễn là vai diễn đó có chất liệu để tôi đào sâu.
Khi đóng phim cùng các diễn viên nữ, đặc biệt trong những vai diễn tình cảm, anh có từng để cảm xúc thật của mình xen vào? Trần Nghĩa đã bao giờ “cảm nắng” bạn diễn của mình?”
– Tôi thấy mình may mắn khi được làm việc với những ê-kíp rất chuyên nghiệp. Trước mỗi cảnh quay, tôi và bạn diễn đều có những buổi trao đổi kỹ lưỡng về kịch bản, nhân vật và cảm xúc cần thể hiện. Mọi thứ được chuẩn bị rất rõ ràng, rành mạch.
Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó mà tôi không để cảm xúc cá nhân lẫn vào công việc. Tôi luôn giữ sự nghiêm túc, ranh giới rõ ràng giữa đời thật và phim ảnh nên không có chuyện “cảm nắng” bạn diễn.
Trần Nghĩa: “Tôi luôn giữ sự nghiêm túc, ranh giới rõ ràng giữa đời thật và phim ảnh nên không có chuyện “cảm nắng” bạn diễn”.
Từng sống trong phòng chỉ 10m2, 10 năm đóng phim vẫn ở nhà thuê
Tính đến nay, Trần Nghĩa đã đóng phim được hơn 10 năm. Khi nhìn lại chặng đường đó, anh cảm nhận bản thân đã thay đổi ra sao, cả về mặt nghề nghiệp lẫn trong cuộc sống cá nhân?
– Tôi nghĩ mình đã trưởng thành hơn, tích lũy được nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm quý giá cùng những vai diễn đáng nhớ.
Tuy nhiên, so với nhiều đồng nghiệp, số lượng tác phẩm tôi tham gia vẫn còn khá khiêm tốn. Có những diễn viên mỗi năm đóng tới 3-4 phim, còn tôi chọn cách đi chậm mà chắc.
Tôi luôn muốn mỗi dự án mình nhận đều đạt chất lượng cao, vì vậy dành nhiều thời gian đọc kỹ kịch bản và suy ngẫm trước khi nhận vai. Đây có thể là điểm yếu khi tôi không xuất hiện nhiều trên màn ảnh, nhưng cũng là cách để mỗi vai diễn của tôi được khán giả nhớ lâu hơn.
Về cuộc sống cá nhân, tôi chọn lối sống đơn giản, không cần phô trương hay thể hiện điều gì với người khác. Tôi hạnh phúc khi có sức khỏe tốt, được làm nghề một cách nghiêm túc và nhận được sự đón nhận của khán giả.
Tôi không chạy theo xu hướng, quần áo hàng ngày của tôi chỉ toàn đồ cơ bản, thậm chí có năm không sắm thêm bộ nào mới. Hiện tại, tôi vẫn ở nhà thuê. Dù chưa gọi là dư giả, với một người độc thân, cuộc sống như vậy là đủ để an tâm làm nghề.
Bên cạnh việc dành dụm cho tương lai và đầu tư cho các dự án nghệ thuật, tôi cũng cố gắng trích một phần thu nhập để phụ giúp gia đình, bố mẹ.
Nguồn thu nhập của tôi hiện hoàn toàn phụ thuộc vào công việc diễn xuất. Cát-xê của phim truyền hình trong nước nhìn chung vẫn còn khiêm tốn so với công sức và thời gian bỏ ra.
Một bộ phim dài 30 tập đôi khi chỉ quay trong vòng 3 tháng, lịch làm việc vô cùng căng thẳng. Nghề này đòi hỏi nhiều nhưng lại đào thải nhanh. Dù vậy, tôi vẫn tin rằng, chỉ cần mình làm nghề một cách nghiêm túc và có tâm, kết quả tốt sẽ tự tìm đến.
Trần Nghĩa chụp ảnh với khán giả hâm mộ.
Anh từng chia sẻ việc rời Hà Nội vào TPHCM lập nghiệp là một bước ngoặt lớn. Trải nghiệm này ảnh hưởng ra sao đến hành trình làm nghề và phát triển bản thân của anh?
– Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, tôi quyết định Nam tiến, dù lúc đó không có người thân, không quan hệ, cũng chẳng có nâng đỡ. Nhưng tôi hiểu rằng, nếu cứ ở lại Hà Nội – nơi số lượng dự án ít hơn – mình sẽ dễ bị chững lại.
Những ngày đầu ở TPHCM thực sự rất chật vật. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, tôi cùng 2 người bạn thuê chung một căn phòng trọ chỉ khoảng 10m2. Thời gian đó, tôi từng ngại làm những công việc tay chân như bưng bê vì sĩ diện – nghĩ rằng mình là diễn viên, đã được đào tạo bài bản, nên cố sống dựa vào số tiền tiết kiệm ít ỏi.
Tôi vào Nam để chứng minh với những người đi trước rằng có một cậu trai trẻ dám tự mình tìm kiếm vai diễn, chủ động tạo cơ hội.
May mắn là những nỗ lực đó đã được ghi nhận. Sau này, khi các đạo diễn cần một diễn viên có chiều sâu cảm xúc, một số người đã nghĩ đến tôi. Hiện tại, tôi vẫn đi lại giữa 2 miền nhưng chủ yếu sống và làm việc ở TPHCM – nơi cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá và cơ hội phát triển nghề nghiệp rõ ràng hơn.
Sống ở một thành phố sôi động như TPHCM nhưng Trần Nghĩa vẫn giữ lối sống đơn giản, hướng nội. Đó là lựa chọn cá nhân hay phản ứng trước môi trường nghề nghiệp nhiều áp lực?
– Tôi ở TPHCM nhưng vẫn giữ nếp sống Hà Nội: Thích chiêm nghiệm, sống chậm, không chạy theo sự hào nhoáng bề nổi. Tôi hiểu nghề diễn đôi khi cần xây dựng hình ảnh, nhưng tôi không chọn cách đó.
Tôi muốn mỗi lần xuất hiện đều thật chỉn chu và để lại ấn tượng rõ ràng. Tôi không cần nổi nhất thời mà muốn làm nghề bền bỉ và được công nhận qua vai diễn.
Với tôi, sự ghi nhận của khán giả đến từ nhân vật mình thể hiện quan trọng hơn nhiều so với lượt theo dõi hay những bàn tán trên mạng xã hội.
Trần Nghĩa cho biết, hiện anh vẫn ở nhà thuê, trong tình yêu nam diễn viên lý trí hơn trước.
5 năm trước, anh từng vướng vào ồn ào đời tư khi bị bạn gái cũ tố cáo trên mạng xã hội – một biến cố không dễ dàng với một diễn viên trẻ. Nhìn lại sự việc ấy, anh rút ra cho mình bài học gì?
– Tôi nghĩ đó là chuyện cá nhân, và chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ được toàn bộ câu chuyện. Là đàn ông, tôi không chọn cách đôi co hay giải thích công khai trên mạng xã hội. Trong cuộc sống, ai cũng có những câu chuyện tình cảm của riêng mình – không chỉ riêng tôi.
Dù vậy, tôi tin rằng mọi trải nghiệm đều mang lại giá trị nào đó. Sau sự việc ấy, tôi học được cách nhìn mọi chuyện một cách bao quát hơn, kiểm soát cảm xúc tốt hơn và hành xử điềm đạm hơn.
Đó là những bài học quan trọng, không chỉ trong nghề mà cả trong hành trình sống và trưởng thành của bản thân.
Trong tình yêu, Trần Nghĩa nghĩ mình là người như thế nào?
– Tôi nghĩ giờ đây mình đã chín chắn hơn, cả trong cách sống lẫn chuyện tình cảm. Trước đây, tôi yêu theo cảm xúc, đôi khi mù quáng và thiếu tỉnh táo. Còn bây giờ, tôi lý trí hơn, độc lập hơn và không còn để bản thân phụ thuộc vào ai.
Tôi cũng đã ở độ tuổi phù hợp để lập gia đình, nhưng hiện tại chuyện tình cảm vẫn chưa có gì nên tôi chọn cách toàn tâm cho công việc. Tôi tin rằng, khi mình sống đúng và làm việc nghiêm túc, mọi điều tốt đẹp sẽ đến vào thời điểm thích hợp.
Cảm ơn Trần Nghĩa vì những chia sẻ!
News
Nội dung bị ch-ê tơi tả nhưng khán giả không thể ch-ê được điều này trong Cha tôi người ở lại
Dù nội dung và diễn viên phim “Cha tôi, người ở lại” bị chê tơi tả nhưng bù lại nhạc…
Động thái không ai ngờ đến của mẹ hoa hậu Thùy Tiên sau khi con gái đi tò!
Sau khi Hoa hậu Thùy Tiên vướng vòng lao lý, động thái từ người trong gia đình, đặc biệt là…
Tạm biệt Lê Tùng Vân, thế là còn quá nhẹ nhàng rồi!
Để đối phó với cơ quan chức năng, Lê Tùng Vân bàn bạc với những người sống chung soạn một…
Trời ơi dung dịch vệ sinh phụ nữ mà cũng làm giả được bảo sao hiếm muộn ngày càng nhiều!
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy mỹ…
Bột ngọt giả quá khó nhận biết! Trời ơi làm sao đây bà con
Thông tin từ Tổng cục quản lý thị trường cho biết, Đội QLTT số 1 kiểm tra, phát hiện đối…
Điều không ai ngờ được về Trần Nghĩa – nam diễn viên bị ch-ê nhạt nhất VFC
Bộ phim “Cha tôi, người ở lại” sắp khép lại. Khi phim ra mắt, đã có nhiều khán giả đặt…
End of content
No more pages to load