Trong quá trình phát triển giáo dục toàn diện và bền vững, việc đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên trên cả nước giữ vai trò then chốt. Tuy nhiên, tại các khu vực vùng sâu, vùng xa – nơi điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn , công tác thu hút và giữ chân giáo viên vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Nghị quyết 51/NQ-CP của Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW trong đó, đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục.
Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu ban hành và triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chính sách trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục.
Vẫn còn một số bất cập trong việc triển khai các chính sách
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nay Long – Tổ trưởng khối Tiểu học Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bùi Thị Xuân (Kông Chro, Gia Lai) cho biết: Nhiều năm nay, nhà trường thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh và Mỹ thuật. Việc thiếu giáo viên gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác tổ chức giảng dạy, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và việc triển khai chương trình học theo quy định.
Để khắc phục, suốt 4 năm qua, nhà trường buộc phải chủ động liên hệ với các cơ sở giáo dục khác để hợp đồng thỉnh giảng, duy trì hoạt động dạy và học tạm thời. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không ổn định và thiếu bền vững.
Trên thực tế, công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay không do nhà trường trực tiếp thực hiện mà chỉ dừng lại ở việc đề xuất, báo cáo nhu cầu nhân sự. Việc phân bổ và tuyển dụng giáo viên hoàn toàn do cấp trên quyết định.
Đáng nói, do trường nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm huyện hơn 40km và điều kiện làm việc, sinh hoạt còn hạn chế, nên có năm không có bất kỳ ứng viên nào đăng ký. Chưa kể, tuy cùng được xếp vào khu vực vùng 3 như các trường ở thị trấn nhưng trên thực tế, điều kiện cơ sở hạ tầng và địa lý của trường khó khăn hơn rất nhiều. Khi mức lương, phụ cấp không có sự chênh lệch so với các trường gần trung tâm mà điều kiện làm việc lại hạn chế đã khiến nhiều giáo viên e ngại khi lựa chọn nhà trường là đơn vị công tác.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bùi Thị Xuân là một trong những điểm trường khó khăn tại huyện Kông Chro, Gia Lai. Ảnh: NVCC
Cùng trao đổi về thực trạng phát triển đội ngũ nhà giáo ở những khu vực khó khăn, ông Vũ Quốc Cường – chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ và Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La nhấn mạnh rằng, việc xây dựng đội ngũ giáo viên ở các vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục và phát triển bền vững của đất nước, đồng thời đảm bảo quyền học tập công bằng cho học sinh ở mọi khu vực.
Thực tế, tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện học tập và sinh hoạt còn rất nhiều thiếu thốn. Nếu không có đội ngũ giáo viên mạnh mẽ, học sinh tại đây sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tri thức, từ đó làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Tại tỉnh Sơn La, thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên các cấp học để đảm bảo việc giảng dạy theo chương trình mới. Đến nay, đội ngũ giáo viên cơ bản đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo quy định.
Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, tỉnh vẫn còn thiếu giáo viên ở một số môn đặc thù tại cấp tiểu học và trung học cơ sở, bao gồm các môn Ngoại ngữ (giáo viên Tiếng Anh), Tin học và Công nghệ (giáo viên Tin học) và Nghệ thuật (giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật).
Nhằm khắc phục tạm thời những khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã triển khai một số giải pháp như biệt phái giáo viên, cử giáo viên dạy hỗ trợ và phân công giáo viên dạy liên trường từ các cơ sở giáo dục khác để đảm bảo không có trường học nào thiếu giáo viên. Bên cạnh đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua việc dạy học online và tổ chức lớp học ảo, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học và khu vực.
Để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy theo quy định, Sở đã tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học để dạy Tin học và Công nghệ cho các lớp 3, 4, 5. Đồng thời, triển khai hình thức hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2023/NĐ-CP của Chính phủ nhằm đảm bảo chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
Ngoài ra, ông Vũ Quốc Cường cũng cho rằng, mặc dù các chính sách ưu đãi dành cho giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được cải thiện, song vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu và mong mỏi của các giáo viên. Trên thực tế, vẫn còn một số bất cập trong việc triển khai các chính sách, chẳng hạn như mức phụ cấp chưa đủ hấp dẫn khi thu nhập của giáo viên ở các vùng khó khăn vẫn còn thấp, thời gian hưởng phụ cấp thu hút bị giới hạn trong 5 năm đầu khiến giáo viên giảm động lực cống hiến khi không còn được hưởng chính sách dù vẫn làm việc tại các vùng khó khăn.
Chưa kể, hiện nhiều địa phương vẫn thiếu nhà công vụ hoặc nếu có thì điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, ảnh hưởng lớn đến đời sống và công tác của giáo viên tại những khu vực này. Do đó, cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung các chính sách và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn.
Trường học ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, thiếu thiết bị dạy học hiện đại. Ảnh: NVCC
Tăng cường chính sách ưu đãi để giữ chân giáo viên ở các vùng khó khăn
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Hào – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Lợi (Kông Chro, Gia Lai), tại huyện Kông Chro, tình trạng giáo viên xin chuyển công tác sang các địa phương khác diễn ra khá phổ biến, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực giảng dạy một cách thường xuyên.
Theo đó, phần lớn giáo viên hiện nay của các trường trong huyện đều là người từ các tỉnh, huyện khác đến công tác và sau khoảng 3–4 năm thường có nguyện vọng chuyển về quê hoặc tìm môi trường làm việc thuận lợi hơn. Do vậy, chỉ cần một số giáo viên rời đi trong cùng thời điểm, nhiều trường học lập tức rơi vào tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng.
“Với tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm đến 98%, việc giữ chân giáo viên tại các trường trong khu vực thường rất khó khăn. Do đó cần có chính sách ưu tiên tuyển dụng giáo viên tại chỗ và thực hiện đặc cách trong công tác tuyển dụng để khuyến khích giáo viên gắn bó lâu dài với các trường tại những khu vực này.
Việc đặc cách trong tuyển dụng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên có trình độ, nhất là những người đã có kinh nghiệm công tác tại các vùng khó khăn, giảm bớt rào cản trong việc tuyển dụng và giữ chân giáo viên lâu dài. Điều này không chỉ giúp ổn định đội ngũ giáo viên mà còn cải thiện chất lượng giảng dạy, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa”, thầy Hào đề xuất.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nay Long cũng cho rằng đội ngũ giáo viên tại các vùng sâu, vùng xa không chỉ đảm nhận công việc giảng dạy trên lớp mà còn phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác, trong đó có việc vận động học sinh đến lớp.
Mặc dù các chế độ đãi ngộ và các chính sách hỗ trợ giáo viên đã được cải thiện so với trước đây, nhưng việc thu hút và giữ chân giáo viên vẫn gặp nhiều thách thức.
Tại các khu vực khó khăn, tâm lý chung của thầy cô là sẽ chỉ công tác ở đây trong một thời gian ngắn, khoảng 3-5 năm rồi tìm cơ hội chuyển về các trường gần nhà, nơi điều kiện công tác và sinh hoạt dễ dàng hơn. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, gây áp lực và thách thức không nhỏ cho các trường trong việc duy trì hoạt động giảng dạy.
Do đó, thầy Long kiến nghị rằng các chính sách thu hút giáo viên cần được duy trì và mở rộng lâu dài hơn, thay vì chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn để giáo viên cảm thấy được hỗ trợ lâu dài và yên tâm cống hiến.
Nhằm giải quyết tình trạng giáo viên chuyển công tác, nên ưu tiên tuyển dụng giáo viên từ chính địa phương. Việc này không chỉ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mà còn tạo điều kiện cho người dân địa phương có cơ hội được làm việc và cống hiến cho quê hương.
Trên thực tế, giáo viên địa phương sẽ có hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán và ngôn ngữ của cộng đồng dân cư, điều này giúp họ dễ dàng hòa nhập và xây dựng mối quan hệ tốt với học sinh, phụ huynh, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy.
News
Ni cô Huyền Trang của “Biệt động Sài Gòn” trượt danh hiệu NSND
Ni cô Huyền Trang trong “Biệt động Sài Gòn”- NSƯT Thanh Loan trượt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). NSƯT…
Thương Tín đã dừng điều trị chuyển về quê nhà nhiều khán giả cầu nguyện
Ở tuổi xế chiều, nghệ sĩ Thương Tín lại sống trong nghèo khó, bệnh tật. Thương Tín là một trong…
Nữ MC xinh đẹp là chị gái ruột Hòa Minzy, gương mặt quen thuộc của ‘Chúc bé ngủ ngon’, nhan sắc đời thực xứng danh Hoa khôi Đại học
Tối 22/4/2025, ca sĩ Hòa Minzy tham gia biểu diễn trong chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hẹn ước Bắc…
NSND Minh Hằng tự mình chuẩn bị caichet khi về già, không yêu thêm ai sau khi chồng quadoi
– Ở tuổi 62, NSND Minh Hằng sống an nhiên, không thị phi. Nhiều người bất ngờ khi biết, chị…
Mỹ nhân màn ảnh Việt một thời xinh đẹp đến mức chưa ai vượt qua nổi lấy nam thần màn ảnh nhìn nhan sắc các con ai cũng trầm trồ
NSND Thu Quế được ngưỡng mộ bởi nhan sắc đoan trang, nét đẹp Hà thành, còn NSƯT Phạm Cường được…
Mối quan hệ bất ngờ của Kiều Anh và NSND Thu Hà! Không ai nghĩ trùng hợp đến thế
Kiều Anh từng gây chú ý khi chia sẻ câu chuyện về NSND Thu Hà khi cả hai đóng chung phim….
End of content
No more pages to load