TPHCM đang thay đổi cách phục vụ hành chính công, với những mô hình như quầy điểm tâm miễn phí, robot lễ tân hiện đại, mang đến trải nghiệm gần gũi, tiện lợi cho người dân.

Tại buổi làm việc với phường Dĩ An trong ngày đầu vận hành mô hình chính quyền đô thị hai cấp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: Trung tâm Phục vụ hành chính công chính là “bộ mặt” của chính quyền, nơi đầu tiên người dân tiếp xúc, do đó càng phải thể hiện sự mềm mỏng, khéo léo và lịch sự.

Theo ông Được, khi người dân đến cơ quan công quyền và được đón tiếp chu đáo, dù đang bức xúc cũng dễ “hạ hỏa”, từ đó hình thành thiện cảm và tạo hiệu ứng tích cực với chính quyền.

Thực tế, một số phường trên địa bàn TPHCM đang triển khai các mô hình mới theo hướng gần gũi, thân thiện, giúp người dân cảm thấy nhẹ nhàng, thậm chí thích thú khi đến làm thủ tục hành chính.

Mô hình nhỏ, ghi điểm lớn

Hơn một tháng qua, người dân phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương cũ) cảm nhận rõ sự chu đáo từ chính quyền địa phương.

Ngay lối vào Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường, một chiếc bàn nhỏ được đặt sẵn với đủ loại trái cây, bánh kẹo, trứng luộc, mì gói, cháo ăn liền, cà phê, trà… Trên bàn, dòng chữ “Quầy người dân tự phục vụ” khiến nhiều người ấm lòng.
Hành chính công kiểu mới ở TPHCM: Từ quầy điểm tâm đến robot phục vụ - 1Ông Nguyễn Văn Hòa thấy ấm lòng với sự chu đáo của phường Tân Đông Hiệp (Ảnh: Xuân Đoàn).

Bà Bùi Thị Kim Nguyên, Chánh Văn phòng UBND phường Tân Đông Hiệp, cho biết, mô hình “quầy người dân tự phục vụ” được Chủ tịch UBND phường là ông Nguyễn Thanh Huy học hỏi khi tham dự cuộc họp tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương (trước đây), rồi mang về áp dụng tại phường. Mô hình bắt đầu được triển khai từ những ngày đầu phường vận hành thử mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

“Người đến làm thủ tục hành chính có cả nam, nữ, thậm chí có trẻ em. Có thể họ đi sớm chưa kịp ăn sáng, nên chúng tôi chuẩn bị bữa ăn nhẹ để người dân tự phục vụ. Có cháo gói dành cho trẻ em, cà phê, nước sôi để cánh đàn ông có thể thưởng thức trong lúc chờ đến lượt làm thủ tục hành chính”, bà Nguyên chia sẻ.

Bà kể thêm, những ngày đầu triển khai, nhiều người dân thấy bàn đồ ăn nhưng không rõ dùng để làm gì, hoặc e ngại nên không dám sử dụng. Chủ tịch phường Nguyễn Thanh Huy sau đó đã yêu cầu nhân viên bộ phận tiếp nhận hồ sơ tích cực giới thiệu và mời người dân dùng thử. Từ đó, mô hình này dần được người dân ủng hộ.

“Chúng tôi không nhấn mạnh vào mô hình hay chiếc bàn ăn này, vì đây chỉ là phần bổ trợ. Mục tiêu lớn nhất mà phường Tân Đông Hiệp hướng đến vẫn là chất lượng phục vụ”, bà Nguyên khẳng định.

Tại phường Xuân Hòa (quận 3 cũ), người dân đến làm thủ tục hành chính được ngồi chờ trên những chiếc ghế nệm trong phòng máy lạnh sạch sẽ. Khu vực chờ còn trưng bày nhiều đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật, y tế, văn học nghệ thuật, cùng các ấn phẩm giới thiệu thành tựu đổi mới của đất nước.

Khi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Xuân Hòa, người dân luôn được hai nhân viên đón tiếp, hướng dẫn ban đầu. Tiếp theo, có khoảng 5-6 tình nguyện viên hỗ trợ người dân bốc số và sắp xếp chỗ ngồi.

Chính sự đón tiếp chu đáo và nhiệt tình của đội ngũ nhân sự là điểm cộng lớn mà người dân dành cho chính quyền phường Xuân Hòa.

Bà Lê Thị Cúc (62 tuổi) chia sẻ sự bất ngờ khi vừa đến đã có người ra tận nơi hướng dẫn tận tình: “Tôi và con gái đến làm hồ sơ đất đai, nhưng nhân viên kiểm tra xong báo chưa đủ giấy tờ, yêu cầu về bổ sung thêm. Mặc dù hôm nay chưa giải quyết được việc, nhưng với cách đón tiếp như vậy, tôi có đến thêm nhiều lần nữa cũng vẫn cảm thấy vui”, bà Cúc nói.

Ông Nguyễn Thái Long Hải, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Xuân Hòa, cho biết phường hiện được thừa hưởng cơ sở vật chất từ trụ sở làm việc của UBND quận 3 cũ, nhờ đó có không gian làm việc khang trang, rộng rãi.

Mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận khoảng 500-600 lượt người đến làm thủ tục hành chính, trong đó các lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao là sao y chứng thực và hộ tịch. Thời điểm cao điểm thường rơi vào buổi sáng, với khoảng 30-40 người có mặt cùng lúc.

Theo ông Hải, chính không gian rộng rãi, thoáng mát cùng với sự nhiệt tình từ đội ngũ đón tiếp đã giúp người dân cảm thấy thoải mái, không còn cảm giác ngột ngạt như khi đến cơ quan hành chính trước đây.

Cà phê sáng – cầu nối gần dân

Nhiều phường tại TPHCM đang duy trì mô hình “cà phê sáng” để tiếp công dân hằng ngày. Đặc biệt, tại phường Thủ Dầu Một và phường Bình Dương (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũ), lãnh đạo địa phương thường xuyên tổ chức các buổi cà phê sáng với mong muốn gần dân, sát dân hơn.

Ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư phường Bình Dương, cho biết mô hình “cà phê sáng” là dịp để tăng cường sự gắn bó giữa lãnh đạo, chính quyền với người dân và các khu phố. Thông qua những buổi trò chuyện thân mật vào buổi sáng, lãnh đạo địa phương có thể lắng nghe trực tiếp tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

“Cà phê sáng còn góp phần tạo sự gần gũi, gắn kết giữa các khu phố trong phường, xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng”, ông Đông nói.

Ông cũng bày tỏ mong muốn mô hình này tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng, qua đó góp phần xây dựng phường Bình Dương ngày càng đổi mới, phát triển bền vững hơn.

Mới đây, tại buổi “cà phê sáng”, Công đoàn phường Bình Dương đã công bố quyết định thành lập mô hình “Tổ hỗ trợ chuyển đổi số” với 10 thành viên là cán bộ công đoàn và đoàn viên thanh niên có kỹ năng công nghệ thông tin và tinh thần trách nhiệm cao.

Tổ công tác này sẽ trực tiếp hỗ trợ đoàn viên, người lao động tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến; cài đặt và sử dụng phần mềm công dân số, ứng dụng VNeID; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt… Qua đó, góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền số, công dân số tại địa phương.

Ngay trong buổi “cà phê sáng”, các đại biểu tham dự cũng được hướng dẫn cài đặt và sử dụng một số tiện ích số trên thiết bị cá nhân.

Không chỉ tạo sự tương tác gần gũi giữa cán bộ và người dân, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phục vụ hành chính cũng đang được một số địa phương triển khai mạnh mẽ. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức, mô hình robot lễ tân đã được đưa vào vận hành.

Robot đảm nhiệm vai trò tiếp đón người dân, hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục hành chính và chỉ dẫn đến các phòng ban liên quan. Ngoài ra, robot còn có thể nhận và trả hồ sơ, phục vụ nước uống, bánh kẹo trong thời gian người dân ngồi chờ.

Trung tâm còn được trang bị dãy ghế chờ hiện đại, hệ thống wifi hoạt động ổn định, mang lại cảm giác thư giãn và hài lòng như đang ở một trung tâm dịch vụ chuyên nghiệp.