Chuyên gia cho rằng, tàu chở khách du lịch 40-50 người trở lên phải có thiết bị phát tín hiệu cấp cứu tự động nhưng trên tàu Vịnh Xanh 58 chỉ có định vị GPS. Bộ định vị này sẽ bị ngắt khi gặp nước.

12h55 ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 QN-7105 chở 46 hành khách và 3 thuyền viên rời bến cảng Bãi Cháy, Quảng Ninh. Đến 13h30, khi tàu đến gần hang Đầu Gỗ (Hạ Long) bất ngờ gặp dông gió khiến tàu bị lật úp.

14h05, tàu mất kết nối GPS nhưng đến 15h30, các đơn vị chức năng mới tiếp nhận tin báo tai nạn đầu tiên và tổ chức tìm kiếm. Sau vụ tai nạn, rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao sau gần 2 tiếng tàu gặp nạn, lực lượng chức năng mới nhận tin báo?

Lỗ hổng cảnh báo trong trường hợp khẩn cấp?

Là một chuyên gia ngành kỹ thuật, qua theo dõi các thông tin, hình ảnh về tàu Vịnh Xanh 58 trên báo chí và mạng xã hội, PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc (công tác tại trường Đại học Thủy lợi) nhận thấy có nhiều điểm cần phải khắc phục, bổ sung trong thời gian tới sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên.

Trong đó, vấn đề lớn nhất mà PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc chỉ ra là về hệ thống phát tín hiệu cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc, đối với các tàu khách du lịch chở 40-50 người trở lên cần phải có hệ thống phát tín hiệu cầu cứu khẩn cấp bằng vệ tinh về vị trí tàu đến trung tâm kiểm soát và việc này cần đưa vào tiêu chuẩn đối với tàu khách hoạt động trên sông, biển.

Bên cạnh đó, cần có thêm nút báo khẩn bằng sóng radio để các trạm gần bờ biết vị trí của tàu gặp nạn. Tuy nhiên, trên tàu Vịnh Xanh 58 chỉ có bộ định vị GPS và kết nối này sẽ bị mất nếu dính nước.

“Cần trang bị những bộ phát tín hiệu cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp hiện đại hơn đối với các tàu du lịch chở khách đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long để có thể sớm ứng cứu trong những trường hợp cần thiết”, PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc nêu.

Vị chuyên gia đánh giá, Vịnh Hạ Long là một vùng biển, không phải cửa sông, khu vực hoạt động thủy nội địa nên các tàu hoạt động tại đây cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về tàu biển.

Đối với tàu hoạt động trên biển mức tối thiểu phải chịu được sức gió cấp 5-6 và chịu được dông lốc cấp 8.

Tuy nhiên theo quan sát của PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc, tàu Vịnh Xanh 58 khó có khả năng chịu được gió cấp 8 vì không có thiết kế kiểu chống lật.

Ông cho rằng, các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Ninh và Nhà nước cần đánh giá lại về tiêu chuẩn, quy chuẩn hoạt động của các tàu khách trên Vịnh Hạ Long để đảm bảo an toàn bởi thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nhiều biến đổi bất thường.

Qua hình ảnh được đăng tải trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc còn nhận thấy các ghế, bàn trên chiếc tàu gặp nạn có thể không được cố định vào sàn tàu mà để “di động”, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi tàu gặp sóng to, gió lớn.

“Khi tàu gặp sóng to, gió lớn dẫn đến rung lắc. Nếu bàn, ghế không được cố định sẽ khiến chúng di chuyển không thể kiểm soát và có thể va đập vào hành khách gây mất an toàn”, vị PGS.TS nói.

Sức gió lớn hơn quy chuẩn thiết kế của tàu

Theo ông Vũ Anh, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam, căn cứ vào các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, vùng Vịnh Hạ Long là vùng sông VR-SII – vùng có chiều cao sóng 1,2m.

Tàu Vịnh Xanh 58 được thiết kế theo quy chuẩn VR-SI do đó được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với cấp VR-SI cao hơn tiêu chuẩn của cấp VR-SII.

Song tại thời điểm dông bão chiều 19/7, theo thông báo của đài khí tượng thủy văn khu vực thì gió giật cấp 10, lớn hơn so với quy chuẩn thiết kế của tàu Vịnh Xanh 58.

Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam phân tích, việc phân vùng dựa trên chiều cao sóng.

Tại Phụ lục I Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa, chia phương tiện thành các cấp phương tiện khác nhau bao gồm cấp VR-SB, VR-SI, VR-SII, VR-SIII.

Theo đó, tuyến ven biển VR-SB có chiều cao sóng là 2,5m, VR-SI là 2m và VR-SII là 1,2m. Tương tự, cấp tàu cũng được phân cấp theo chiều cao sóng lớn nhất tương ứng với từng cấp là: VR-SB 2,5m; VR-SI 2m; VR-SII 1,2m.

Ông Vũ Anh cho biết thêm, phương tiện thủy nội địa được quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Theo khoản 4, Điều 3, Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định: Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

Do đó, những tuyến nằm ở trong vùng vịnh hoặc các cửa sông, tuyến bờ ra đảo gần trong vòng 12 hải lý đều được coi là tuyến đường thủy nội địa.

Theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa do Sở Xây dựng Quảng Ninh cấp, tàu Vịnh Xanh 58 được đóng năm 2015, dài 24m, trọng tải 12 tấn, công suất chở 48 hành khách.

Tháng 1/2025, tàu được cấp giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.

Mở rộng phạm vi tìm kiếm

Thông tin tại buổi họp báo diễn ra ngày 20/7, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh Cù Quốc Thắng cho biết, tàu Vịnh Xanh 58 còn hạn đăng kiểm đến hết năm 2026.

Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, khẳng định, các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long đều đảm bảo an toàn.

Ông Minh cho rằng, theo quy định có 15 tiêu chí an toàn đối với tàu du lịch, tỉnh Quảng Ninh khuyến khích các tàu hoạt động tiêu chí an toàn phải cao hơn quy chuẩn quốc gia.

“Hiện nay 100% tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long có quy chuẩn cao hơn tiêu chuẩn Quốc gia”, ông Minh nói.

Ông Minh cho biết thêm, tàu Vịnh Xanh gặp nạn có hệ số an toàn là 2,3, trong khi hệ số an toàn theo quy định chỉ là hơn 1,15

Theo Đại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, trưa 19/7 trời vẫn rất nắng, nhiệt độ ghi nhận tới 40 độ C. Tuy nhiên, lúc 14h, dông lốc bất ngờ nổi lên đi kèm mưa đá. Ngay lúc này, tàu Vịnh Xanh 58 mất tín hiệu.

Theo Đại tá Thuyết, ở vùng biển, việc phát hiện tàu lật khi mịt mù mưa lốc là rất khó. Tuy nhiên, Đại tá Thuyết cũng khẳng định, ngay sau khi nhận tin báo, tàu cứu hộ chỉ mất khoảng hơn 10 phút để đến nơi tàu lật và kịp thời cứu những người còn sống.