Ban Chỉ đạo của Chính phủ định hướng, trước mắt giữ nguyên số lượng công chức, viên chức, lao động hợp đồng của cấp tỉnh; người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có thể làm lãnh đạo cấp xã; tiêu chuẩn lãnh đạo cấp xã mới tương ứng của cấp huyện hiện nay.

Định hướng sắp xếp công chức, viên chức, lao động hợp đồng ở tỉnh, xã sáp nhập được nêu rõ tại văn bản của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) gửi các tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố.

Lãnh đạo cơ quan chuyên môn ở tỉnh có thể làm lãnh đạo cấp xã

Theo Ban Chỉ đạo, việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương đối với cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập.

Số lượng lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số lãnh đạo, quản lý có mặt của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện bố trí theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ định hướng trước mắt giữ nguyên số lượng công chức, viên chức, người lao động hợp đồng của cấp tỉnh để sắp xếp, bố trí công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tương ứng hoặc bố trí công tác tại cấp xã. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Trường hợp đang giữ chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn, Ban Chỉ đạo định hướng, căn cứ điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, công chức, Ban Thường vụ, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định lựa chọn người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị mới sau sắp xếp.

Với người đứng đầu cơ quan chuyên môn không bố trí tiếp tục làm người đứng đầu sau sắp xếp thì được bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề hoặc bố trí giữ chức danh tương đương ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc tăng cường làm lãnh đạo cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ, năng lực của cán bộ, công chức và được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy.

Trường hợp đang giữ chức danh cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, Ban Thường vụ, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu đơn vị sau sắp xếp; bố trí giữ chức danh tương đương ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc tăng cường làm lãnh đạo cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ, năng lực của cán bộ, công chức

Ban Chỉ đạo nêu rõ, trước mắt số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành mới sau sắp xếp có thể cao hơn quy định và giảm dần theo lộ trình bảo đảm thực hiện quy định của Chính phủ

Với công chức, viên chức, người lao động hợp đồng của cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo định hướng trước mắt giữ nguyên số lượng để sắp xếp, bố trí công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tương ứng hoặc bố trí công tác tại cấp xã.

Sau đó, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định.

Tiêu chuẩn lãnh đạo cấp xã mới tương đương với cấp huyện hiện nay

Ban Chỉ đạo của Chính phủ cũng định hướng sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức cấp xã.

Theo đó, tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý cấp xã mới áp dụng như với tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý tương ứng của cấp huyện hiện nay theo quy định hiện hành.

Với công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã mới thì áp dụng tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo yêu cầu vị trí việc làm đối với công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên theo quy định của Chính phủ.

Ban Chỉ đạo định hướng, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện nay, Ban Thường vụ, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức ở cấp xã mới theo phân cấp quản lý.

Cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã khi được bố trí vào các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý tại đơn vị cấp xã mới tiếp tục giữ phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng trong thời gian 6 tháng kể từ ngày có quyết định. Sau đó thực hiện theo quy định mới của Chính phủ.

Trường hợp công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại đơn vị cấp xã mới tạm thời chưa áp dụng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo và sẽ thực hiện khi có quy định của Chính phủ về hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý đó.

Thực hiện chế độ, chính sách đặc thù như trước khi sáp nhập

Về chính sách, chế độ, theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước khi được bố trí công tác ở đơn vị hành chính mới thì tiếp tục được hưởng lương theo ngạch, bậc và các chế độ phụ cấp lương hiện hưởng trong thời gian gian 6 tháng; sau đó thực hiện theo quy định mới của Chính phủ.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp mà có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc rà soát, đánh giá và thực hiện chính sách, chế độ theo quy định hiện hành của Chính phủ, bảo đảm giữ được người có năng lực nổi trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trường hợp cán bộ, công chức ở cấp huyện và cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bố trí đảm nhiệm vị trí việc làm ở cấp xã mới thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Chính phủ.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù áp dụng theo vùng, theo khu vực hoặc theo đơn vị hành chính như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền. Trường hợp có thay đổi tên gọi của đơn vị hành chính sau sắp xếp thì sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính để tiếp tục tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù.