Bão suy yếu, tiếp tục di chuyển về phía Thanh Hóa

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 11h ngày 22/7, tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh Hưng Yên – Ninh Bình, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt 74 km/h (cấp 8), giật cấp 10. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 10-15 km/h.

Trong ngày và đêm nay, bão đi chếch xuống khu vực Thanh Hóa rồi suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Từ nay đến ngày mai, mưa lớn tập trung tại phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An với lượng phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Các khu vực còn lại ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa từ 20-50 mm, có nơi trên 100 mm.

Trước đó, do ảnh hưởng của bão, các tỉnh đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An đã ghi nhận lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 150 mm. Mực nước dâng tại Hòn Dấu (Hải Phòng) đo được 0,6 m và tại Ba Lạt (Hưng Yên) là 0,8 m.

Anh-chup-Man-hinh-2025-07-22-l-7026-1890

Dự báo hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão, trưa 22/7. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai

Chia sẻ:FacebookTwitterSao chép liên kết

11h30

Vì sao có nơi hửng nắng, có nơi mưa lớn khi bão đổ bộ?

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết bão Wipha có đặc điểm là vùng mây hoàn lưu tập trung chủ yếu ở phía nam tâm bão. Hôm qua, khi bão còn trên Vịnh Bắc Bộ, toàn bộ Đông Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, có mưa suốt ngày đêm.

Từ đêm qua đến sáng 22/7, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, dọc ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Hưng Yên. Vùng mây hoàn lưu cũng dịch chuyển theo, bao trùm và gây mưa lớn tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một phần Hà Tĩnh. Các khu vực khác nằm ngoài vùng mây trọng tâm chỉ có mưa gián đoạn hoặc không mưa.

Lý giải việc nhiều nơi như Hà Nội, Hải Phòng có lúc hửng nắng, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết không phải toàn bộ vùng mây đều gây mưa. Trong dải mây xoáy quanh tâm bão, có nơi mưa rất to kèm giông sét, gió mạnh; có nơi mưa nhỏ, trời nhiều mây hoặc thậm chí hửng nắng.

Qua theo dõi ảnh vệ tinh lúc 10h sáng, ông Lâm cho biết phía tây Hà Nội nhiều mây nhưng không mưa, phía nam có mưa nhỏ. Trong khi đó, các xã sâu trong đất liền ở Hưng Yên, Ninh Bình thời tiết tương đối đẹp, nhưng các xã ven biển như Hưng Phú, Nam Cường (Hưng Yên), Giao Hưng, Giao Phúc (Ninh Bình) lại có mưa lớn.

“Trong cùng một hệ thống mây, tại cùng thời điểm vẫn có thể xảy ra các điều kiện thời tiết khác nhau, vì hệ thống này luôn biến động và di chuyển liên tục”, ông Lâm nói.

Quảng Ninh giảm mưa

Đêm qua và rạng sáng 22/7, Quảng Ninh có gió cấp 6-7 kèm mưa diện rộng do ảnh hưởng bão số 3. Đến gần trưa, mưa giảm, gió không còn mạnh, giao thông cơ bản thông suốt.

Tại 54 xã, phường trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại lớn. Một số cây xanh gãy đổ, mái tôn và biển quảng cáo bị lật, chắn ngang đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và cản trở công tác ứng cứu khẩn cấp.

f18680efb0bb39e560aa-175315871-3116-7347

Công an phòng cháy chữa cháy dọn dẹp cây đổ để các phương tiện làm nhiệm vụ. Ảnh: Lê Tân