Theo chia sẻ mới đây từ ông Duong-Van Nguyen, hiện là Phó Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu chuyên trách phát triển hệ thống ADAS và Autonomous Driving (hệ thống lái tự động), VinFast đang có hướng đi tương đối khác lạ trong đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo.

Hướng đi khác biệt cũng sẽ tạo ra những khác biệt rất thú vị trên thị trường.

Bài viết dưới đây tóm lược chia sẻ của ông Duong-Van Nguyen về trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kiểu mà VinFast đang đầu tư phát triển.

Cách đây chưa lâu, Phó Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu, ông Duong-Van Nguyen, đã đại diện cho hãng xe này tham gia Hội nghị Giao thông Thế giới diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha.

Tại đây, ông Duong-Van Nguyen đã trình bày góc nhìn và hướng đi của VinFast về tình trạng hiện tại của ngành công nghiệp toàn cầu. Phần trình bày của ông nói về trí tuệ nhân tạo trong sản xuất quy mô lớn, xử lý cảm biến tích hợp (sensor fusion), hệ thống AI đầu-cuối (end‑to‑end AI), và định hướng xe điện thông minh trong tương lai.

Đáng chú ý hơn cả, ông Duong-Van Nguyen cũng tiết lộ về kế hoạch triển khai dịch vụ xe taxi tự hành (còn gọi là robotaxi) tại các thành phố thông minh từ năm 2027 .

Phó Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu Duong-Van Nguyen trình bày tại Hội nghị Giao thông Thế giới.

Dịch vụ robotaxi không cần người lái cũng là dịch vụ mà Tesla vừa chính thức triển khai thử nghiệm số lượng nhỏ tại Mỹ. Với dịch vụ này, người sử dụng dịch vụ có thể đặt xe qua ứng dụng và được đưa tới địa điểm đã đặt trước trên một chiếc xe tự hành hoàn toàn.

Tuy nhiên, do vẫn đang thử nghiệm vận hành nên mỗi xe robotaxi của Tesla vẫn có một người giám sát ngồi ở ghế phụ nhưng không can thiệp vào việc lái xe của hệ thống.

Với kế hoạch triển khai dịch vụ tương tự Tesla, giống như lời khẳng định mà ông Phạm Nhật Vượng từng nói rằng “Tesla có gì, VinFast sẽ có cái đó”, VinFast đang phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo theo mô hình gần như sẽ không thấy ở các hãng xe nào khác. Ông Duong-Van Nguyen cũng đã chia sẻ những đặc điểm của hệ thống này .

Lối phát triển tương tự Tesla

Phó Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu khẳng định hãng xe Việt đã và đang phát triển mạnh công nghệ trí tuệ nhân tạo theo mô hình đầu-cuối (end-to-end). Hệ thống trí tuệ nhân tạo kiểu này toàn diện hơn, có thể xử lý trọn vẹn dữ liệu đầu vào từ cảm biến cho đến việc đưa ra quyết định và thực thi quyết định (chính là việc điều khiển xe).

Dịch vụ Robotaxi của Tesla sử dụng mẫu Model Y; xe tự vận hành nhưng vẫn có người giám sát ngồi ở ghế phụ. Ảnh: Bloomberg/Getty Images

Hiện nay, nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo phục vụ ô tô đang phát triển theo mô hình mô-đun, tức là mỗi công việc như nhận diện vật thể, lập kế hoạch đường đi hay điều khiển được xử lý với từng hệ thống trí tuệ nhân tạo riêng biệt.

Trong khi đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo đầu-cuối chỉ là một hệ thống nhưng sẽ đảm nhiệm toàn bộ công việc. “Nghe thì đơn giản, nhưng thực tế là một thách thức khổng lồ,” ông thừa nhận.

Phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo cần nhiều dữ liệu; với AI end-to-end thì nhu cầu dữ liệu thực là đặc biệt lớn.

Theo ông Duong-Van Nguyen, hệ thống trí tuệ nhân tạo đầu-cuối cần lượng dữ liệu khổng lồ để phát triển, vượt xa những gì mà hệ thống trí tuệ nhân tạo mô-đun cần. Không chỉ dừng ở dữ liệu trong tình huống mô phỏng, hệ thống đầu-cuối cần dữ liệu thật từ thực tế vận hành.

Ông Duong-Van Nguyen thừa nhận rằng các tình huống mô phỏng mang lại ít giá trị với hệ thống trí tuệ nhân tạo đầu-cuối: “Dữ liệu giả lập không phản ánh chính xác tình huống thực tế, nên sẽ không thể đảm bảo rằng giải pháp cho tình huống mô phỏng sẽ phù hợp với tình huống thật. Vì thế, để đánh giá được hiệu quả thì sẽ cần một lượng lớn dữ liệu thực tế.”

VinFast và bài toán dữ liệu, chi phí

Dữ liệu thực tế cũng đang là điều khiến nhiều hãng xe đau đầu. Trên thế giới, theo góc nhìn của ông Duong-Van Nguyen, Tesla có thể có một trung tâm dữ liệu khổng lồ nhưng sử dụng chung cho cả xe hay robit, nên chi phí có thể dàn trải ra và cũng có thể giúp dễ tìm kiếm nhà đầu tư hơn.

Ông lấy ví dụ Tesla – hãng có trung tâm dữ liệu dùng chung cho ô tô, robot, và cả hệ thống quản lý năng lượng – hay các OEM Trung Quốc – nơi có khả năng thu thập dữ liệu quy mô lớn. Nhưng với một công ty chỉ sản xuất xe thuần túy, đó là mô hình không bền vững. Tuy nhiên, VinFast có lợi thế đặc biệt:

Ông cũng nhận định: “[…] một công ty mà chỉ dựa vào sản xuất ô tô và muốn triển khai hệ thống AI đầu-cuối, chi phí phát triển và duy trì sẽ quá cao để có lợi nhuận”.

Hệ sinh thái đa ngành của Vingroup sẽ giúp chia sẻ kinh phí phát triển hệ thống AI cho VinFast.

Tuy nhiên, VinFast vẫn làm.

“Chúng tôi làm được, vì VinFast không đơn thuần chỉ là một nhà sản xuất xe. Hệ sinh thái chúng tôi có bất động sản, khách sạn, bệnh viện, trường đại học, công ty taxi, robotics… – tất cả đều có thể chia sẻ chi phí xây dựng và vận hành trung tâm AI.”

Dù vậy, phát triển hệ thống này không phải không có thách thức. Một trong những vấn đề quan trọng mà Phó Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu chỉ ra là hệ thống trí tuệ nhân tạo đầu-cuối không dễ chuyển giao giữa các dòng xe.

“Mô hình AI sẽ học cả đặc tính vận hành của từng loại xe và hành vi lái, khiến việc áp dụng mô hình từ xe này sang xe khác không đơn giản, có thể phải tái huấn luyện đến 50%.”

Đây là trở ngại lớn nếu muốn sản xuất hàng loạt với chi phí tối ưu.

Ảnh minh họa.

Dù thẳng thắn về những hạn chế, ông Duong-Van Nguyen vẫn cho thấy niềm phấn khởi về tốc độ tiến bộ: “Tôi chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó nhà máy sản xuất ô tô có thể tự vận hành gần như hoàn toàn.”

Từ chia sẻ của ông Duong-Van Nguyen, có thể thấy VinFast không đi theo lối mòn. Hãng xe này đang xây dựng một tương lai nơi công nghệ AI, dữ liệu lớn và năng lực sản xuất được tích hợp chặt chẽ để hướng tới một kỷ nguyên ô tô thông minh, không người lái, vận hành bằng trí tuệ nhân tạo.

Với nền tảng đa ngành và chiến lược đầu tư dài hạn, VinFast đang từng bước khẳng định tham vọng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ xe tự hành.