Anh Trần Văn Linh (38 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) là cán bộ địa chính – xây dựng tại UBND một xã ngoại thành vừa xin nghỉ việc. Anh quyết định rời đi khi không còn nhìn thấy cơ hội tiếp tục công việc trong đợt sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế đang triển khai trên địa bàn.
“Nhiều người nghĩ làm nhà nước thì nhàn, thoải mái hơn về mặt thời gian nhưng thực tế không phải vậy. Chúng tôi luôn làm không hết việc vì số lượng cán bộ được vào biên chế luôn rất hạn chế mà địa bàn quản lý lại quá rộng. Tôi có vợ, 2 con và 1 mẹ già ngoài 80 tuổi cần chăm sóc, nên giờ phải chọn một công việc để có nhiều thời gian bên gia đình hơn”, anh Linh nói.
Hơn nữa, nguyên cán bộ địa chính cho biết, tiền lương công chức thực sự không đủ để anh lo cho gia đình, đặc biệt trong những giai đoạn các con còn nhỏ. Cơ hội thăng tiến của anh ở xã dường như không có khi anh “không thuộc diện quy hoạch”.
Dù vậy, khi anh Linh nghỉ việc, các đồng nghiệp, bạn bè tỏ ra bất ngờ, người thân lo lắng vì sợ anh rời khu vực công sẽ khó tìm được việc ổn định.
Thế nhưng, nghỉ chưa được trọn tháng, anh đã được một công ty mời về làm nhân viên pháp lý đất đai, với thu nhập gấp nhiều lần công việc cũ.
Nhờ có kiến thức và kinh nghiệm hơn 9 năm làm việc ở cơ quan nhà nước, anh Linh có thể giải quyết các hồ sơ chỉn chu và hầu như không để xảy ra sai sót.
Anh Đỗ Thế Hưng (28 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) từng là cán bộ địa chính tại một phường ở khu vực quận Bình Thạnh. Hơn 5 năm gắn bó với công việc, anh Hưng quyết định xin nghỉ ngay khi hay tin cơ quan sẽ sáp nhập, tái cơ cấu.
Khoảnh khắc ký vào lá đơn xin nghỉ, anh Hưng vừa mừng vừa lo. Anh mừng vì sắp được thử sức ở một môi trường mới, lo bởi không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu.
Cứ ngỡ sẽ chật vật nhưng chỉ trong thời gian ngắn, cựu cán bộ địa chính phường đã được một công ty bất động sản tại TPHCM mời về làm trưởng nhóm pháp lý xây dựng.
Với nền tảng pháp lý tốt, sự chỉn chu khi xử lý giấy tờ, cộng thêm công việc chuyên môn phù hợp và kinh nghiệm 5 năm trong ngành, anh Hưng có thể xử lý hết mọi việc và điều hành nhóm trơn tru. Vì vậy, anh dễ dàng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và ban lãnh đạo công ty.
“Tôi được trả mức lương cao gấp 3 lần so với thời điểm còn làm công chức. Tôi rất ấn tượng văn hóa làm việc của doanh nghiệp tư nhân. Mọi việc được vận hành, quyết định rất nhanh và không cho phép khâu nào đình trệ”, anh Hưng nói.
Tuy nhiên, dù ở chức quản lý, cựu cán bộ địa chính vẫn phải học lại từ đầu cách làm việc theo “kiểu” doanh nghiệp, trong những tháng đầu thử việc.
“Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng vẫn khá ngợp vì nhịp độ làm việc tại đây quá nhanh”, anh Hưng chia sẻ.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng (42 tuổi, ngụ tại TPHCM), nguyên Trưởng phòng hỗ trợ đời sống thuộc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên, Thành đoàn TPHCM, cũng từng bỏ biên chế viên chức để khởi nghiệp, tiếp quản công ty gia đình. Giờ đây, anh là Giám đốc điều hành Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh.
Anh Hoàng cho hay thời gian đầu, khi thay đổi môi trường công sang tư, cán bộ dễ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu mạnh mẽ và kiên trì vượt qua, cán bộ giỏi không lo thiếu việc, chắc chắn được trả lương hậu hĩnh.
“Công ty tôi và nhiều đơn vị khác trên thị trường hiện cần tuyển dụng thêm nhân lực, từ nhân viên văn phòng, kế toán, bộ phận kinh doanh, vận hành máy móc, kỹ thuật đều tuyển dụng liên tục… Chúng tôi sẵn sàng đào tạo lại cho cán bộ gia nhập thị trường tư nhân và trả lương công bằng như những người khác”, anh Hoàng khẳng định.
Vượt tâm lý tự ái để bắt đầu lại
Anh Hữu Tường bộc bạch, thời điểm vừa vào làm công ty mới, anh cũng gặp không ít khó khăn và áp lực. Dù được bố trí làm việc ở cấp quản lý, anh cũng phải học lại cách làm việc theo “kiểu” doanh nghiệp, với người hướng dẫn chính là những nhân viên cấp dưới, thậm chí nhỏ tuổi hơn mình.
“Tuy nhiên, tôi không thấy ngại và điều đó khiến tôi vượt qua được mọi cản trở. Anh em thấy tôi ham học hỏi chẳng những không chê cười mà còn nhiệt tình giúp đỡ để tôi phát huy tối đa năng lực và được công nhận. Sự thăng tiến nhanh chóng đến ngay sau đó. Thay đổi môi trường làm việc, chẳng có lí do gì mà bản thân không thể hạ thấp cái tôi để bắt đầu học lại mọi thứ”, anh Tường nói.
Theo giám đốc Nguyễn Trọng Hoàng, có 2 nhóm người khi chuyển từ khu vực công sang tư nhân.
“Với những nhân sự lớn tuổi, có kinh nghiệm dày dặn, bước ra môi trường tư nhân thực sự là một lợi thế. Chỉ cần chọn đúng doanh nghiệp phù hợp với năng lực và giá trị bản thân là có thể phát huy ngay. Họ đủ bản lĩnh để kiểm soát tình huống, hòa nhập nhanh và đôi khi còn làm chủ được cuộc chơi.
Còn với nhân viên trẻ bị tinh giản, tôi tin rằng vấn đề chỉ là nhân sự có dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám mạo hiểm để thử sức mình hay không”, anh Hoàng nhấn mạnh.
Vị giám đốc cho rằng những người đã từng làm việc trong môi trường Nhà nước, khi chuyển sang tư nhân sẽ thích nghi được, thậm chí là rất tốt.
Tuy nhiên, họ cần chuẩn bị tâm lý rằng mọi sự thay đổi đều có thách thức đi kèm, đặc biệt trong 3-6 tháng đầu. Thực tế, cách làm việc giữa hai môi trường khác nhau hoàn toàn, từ văn hóa giao tiếp, cách xử lý công việc đến tinh thần phối hợp.
“Một điểm cần lưu ý là nhiều anh chị từ khu vực công khi sang tư nhân thường mang theo tư duy quy trình, chỉ đạo, gọi điện điều phối. Nhưng ở nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhất là các công ty nhỏ và vừa không có chỗ cho điều đó. Mọi người đều phải “chiến đấu” thực sự, làm việc sát sườn chứ không thể chỉ đứng “chỉ tay 5 ngón”, anh Hoàng chia sẻ.
Cựu viên chức xác nhận môi trường tư nhân có áp lực cao, tốc độ làm việc nhanh nhưng bù lại là sự tự do, linh hoạt và cảm giác được làm chủ công việc. Ai vượt qua được giai đoạn đầu sẽ thấy khu vực doanh nghiệp là môi trường đáng sống, đáng làm việc. Với mỗi người, quan trọng là chọn đúng nơi, đúng thời điểm và chuẩn bị tốt hành trang để thích nghi.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng lực lượng cán bộ dôi dư sau tinh giản biên chế là nguồn nhân lực chất lượng cao mà nhiều doanh nghiệp đang săn đón.
“Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng họ đánh giá rất cao những nhân sự từng làm việc trong khu vực công. Đây là nhóm lao động sở hữu trình độ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm, kỹ năng làm việc bài bản và đặc biệt có tinh thần trách nhiệm cao. Nếu được định hướng đúng, lực lượng này hoàn toàn có thể thích nghi và phát triển mạnh trong khu vực tư nhân”, ông Tuấn nhận định.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất nằm ở chính tư duy của một bộ phận cán bộ dôi dư.
“Điều cần thiết trước tiên là họ phải thay đổi nhận thức. Họ cũng là người lao động như bao người khác, cần sẵn sàng hạ cái tôi, vượt qua tâm lý tự ái, để học hỏi, thích nghi và tiếp tục cống hiến trên chặng đường nghề nghiệp phía trước. Nếu có tinh thần cầu thị và sẵn sàng bắt đầu lại, đội ngũ này hoàn toàn có thể trở thành lực lượng nòng cốt trong nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện nay”, ông Tuấn khẳng định.
News
Bà con kinh hồn bạt vía với nước rửa bát, nước giặt giả làm y như thật!
Ngày 10-8, Công an huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) thông tin, đơn vị vừa phối hợp với Công an các…
Kết cục của Hoàng Hường!
“100 người chỉ 1 người đặt được hàng, 99 người không có hàng để đặt”, lời quảng cáo “nổ tung…
Chính thức xử Đoàn Di Băng sau ồn ào dầu gội giả, kem chống nắng giả
Đồng Nai – Sở Y tế đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 2 lô sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki…
TPHCM xác minh, thẩm tra vụ TikToker Võ Hà Linh bị tố bán phá giá
Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã yêu cầu các đơn vị thẩm tra, xác minh đối với Chi…
Hai diễn viên Việt đình đám không họ hàng nhưng giống nhau như chị em ruột: Cách dạy con cũng tương đồng khó tin
Bảo Thanh và Lan Phương là hai diễn viên thân thiết khi cùng đóng phim cho VFC, họ thường xuyên…
Bà trùm hoa hậu cạn tình cạn nghĩa với ‘gà đẻ trứng vàng’ Thùy Tiên giờ thì hết mẹ con!
Theo Sen Vàng, phía công ty không liên quan đến bất cứ hoạt động kinh doanh cá nhân nào của…
End of content
No more pages to load