Đề xuất bãi bỏ các quy định về Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Doanh nghiệp được cấp phép sản xuất vàng miếng.

Hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định.

Đáng chú ý, dự thảo đã bãi bỏ các nội dung về Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng (khoản 3 Điều 4).

Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đủ 4 điều kiện sau:

Thứ nhất, có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

Thứ hai, có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên;

Thứ ba, không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các kiến nghị có thời hạn thực hiện tại kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

Thứ tư, có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện tương tự như trên, nhưng vốn điều lệ được yêu cầu phải có từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép sản xuất vàng miếng

Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức hàng năm và giấy phép từng lần cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại để xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng.

Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung – cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng theo quy định.

“Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, dự thảo nêu.

Doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được khi đáp ứng 2 điều kiện: Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có giấy phép khai thác vàng; vàng nguyên liệu dự kiến xuất khẩu là do doanh nghiệp khai thác ở trong nước.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm được thực hiện theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng (ngày 28/5), Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xóa bỏ thế độc quyền vàng miếng trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý nhưng có thể cấp phép cho nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đa dạng nguồn cung và ổn định giá.

Tổng Bí thư nêu rõ cần hoàn thiện pháp lý, sớm điều chỉnh Nghị định 24/2012 theo hướng thị trường hóa có kiểm soát và lộ trình, nhằm tạo kết nối hiệu quả giữa thị trường trong nước và quốc tế.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu mở rộng quyền nhập khẩu vàng có kiểm soát để tăng nguồn cung, góp phần giảm chênh lệch với giá thế giới, đồng thời hạn chế buôn lậu qua biên giới. Thị trường vàng trang sức được khuyến khích phát triển để từng bước đưa Việt Nam thành trung tâm chế tác, xuất khẩu chất lượng cao mặt hàng này. Việc này nhằm giúp chuyển hóa vàng tích trữ thành sản phẩm có giá trị gia tăng.