Từ ngày 1.1.2026, bảng giá đất tại các tỉnh, thành sẽ được cập nhật hằng năm thay vì 5 năm/lần như trước đây. Điều này khiến chi phí làm sổ đỏ tăng đáng kể.

Kể từ 1.1.2026 sẽ có 3 đối tượng phải chi rất nhiều tiền khi làm sổ đỏLuật Đất đai 2024 có hiệu lực kéo theo nhiều thay đổi trong việc làm sổ đỏ, trong đó có cả lệ phí làm loại giấy tờ này. Ảnh: Phương Anh
Theo Luật Đất đai 2024, kể từ 1.1.2026, UBND cấp tỉnh sẽ ban hành bảng giá đất mới căn cứ trên giá trị thực tế, thay vì phụ thuộc vào khung giá tối thiểu và tối đa như quy định trong Luật Đất đai 2013. Khung giá đất – vốn là cơ sở để xây dựng bảng giá trước đây sẽ bị bãi bỏ.

Khoản 1 Điều 257 quy định bảng giá đất hiện hành tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31.12.2025. Từ sau mốc thời gian này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất mới để công bố, áp dụng từ ngày 1.1.2026.

Cùng với đó, bảng giá đất sẽ được cập nhật, điều chỉnh hằng năm để phù hợp với biến động giá đất trên thị trường (Khoản 3, Điều 159).

Bảng giá đất mới sẽ được xây dựng chi tiết tới từng khu vực, từng vị trí. Với các khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất, giá sẽ được xác định đến từng thửa đất dựa trên vùng giá trị và thửa đất chuẩn (Khoản 2, Điều 159).

Việc xác định bảng giá đất theo phương pháp mới giúp giá đất tiệm cận với thị trường, minh bạch hơn trong tính toán nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc chi phí làm sổ đỏ lần đầu – vốn tính theo bảng giá đất có thể tăng mạnh.

Dưới đây là 3 nhóm đối tượng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt khi bảng giá đất mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2026:

Người dân xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở

Một trong những trường hợp đầu tiên bị tác động mạnh là những người có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư.

Theo Nghị định 103/2024/NĐ-CP, tiền sử dụng đất trong trường hợp này sẽ được tính dựa trên giá đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố.

Tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích được tính bằng diện tích đất nhân với đơn giá đất ở mới. Nếu đất chuyển đổi có nguồn gốc là đất nông nghiệp được giao không thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp, thì mức tiền phải nộp sẽ căn cứ vào giá đất nông nghiệp hiện hành và giá đất ở sau khi chuyển đổi.

Với việc bảng giá đất từ năm 2026 tiệm cận hơn với giá thị trường, người dân chắc chắn sẽ phải chi trả mức tiền sử dụng đất cao hơn đáng kể so với hiện nay.

Người sở hữu đất thuộc diện “quy hoạch treo”

Đất nằm trong khu vực “quy hoạch treo” từ lâu đã gây nhiều bức xúc khi người dân không thể thực hiện các quyền cơ bản như xin giấy phép xây dựng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất hay xin cấp sổ đỏ lần đầu. Trong thời gian đất bị “treo”, giá đất tại bảng giá Nhà nước vẫn ở mức thấp, nhưng người dân không thể làm thủ tục liên quan.

Đáng chú ý, nếu thời điểm được gỡ quy hoạch trùng với thời gian bảng giá đất mới có hiệu lực thì người dân sẽ chịu thiệt hại kép. Họ vừa mất cơ hội thực hiện quyền sử dụng đất suốt nhiều năm, lại vừa phải nộp tiền sử dụng đất với mức giá mới – thường cao hơn gấp nhiều lần so với bảng giá cũ. Đây là nhóm đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách mới.

Người xin cấp sổ đỏ lần đầu

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu cũng là một thủ tục yêu cầu người dân nộp một khoản tiền sử dụng đất dựa trên bảng giá đất. Các khoản phải nộp bao gồm: tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận và các chi phí thẩm định hồ sơ.

Trong đó, tiền sử dụng đất chiếm tỉ trọng lớn nhất, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng tùy theo diện tích và khu vực. Với việc giá đất trong bảng mới được điều chỉnh để gần hơn với giá thực tế giao dịch trên thị trường, người xin cấp sổ đỏ sau ngày 1.1.2026 có thể sẽ phải trả chi phí cao hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay. Những ai đang có kế hoạch làm thủ tục cấp sổ đỏ cần đặc biệt lưu ý để tránh phát sinh chi phí đột biến.