Đăng ký học với cam kết cấp bằng chính quy nhưng hàng trăm sinh viên hệ đào tạo từ xa Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội bất ngờ bị dừng học vô thời hạn.

Năm 2020, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội – trực thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội – UBND Thành phố Hà Nội (địa chỉ số 202 đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) triển khai chương trình đào tạo trực tuyến (E-Learning) đối tượng tuyển sinh là cán bộ, công viên chức đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân, lực lượng vũ trang (đã có bằng tốt nghiệp THPT trở lên), sinh viên đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.

Hoạt động liên quan tới hình thức đào tạo từ xa, tự học được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Trung tâm Đào tạo trực tuyến Hateco, do bà Nguyễn Thị Bích Vượng – Phó Hiệu trưởng nhà trường (đã nghỉ công tác) – trực tiếp phụ trách.

Tuy nhiên, chương trình đào tạo trực tuyến của trường vướng phải nhiều phản ánh tiêu cực liên quan đến công tác tổ chức, quản lý và đào tạo sinh viên.

Đỉnh điểm vào cuối năm 2024, hơn 100 sinh viên đang theo học chương trình này bất ngờ nhận được thông báo tạm ngừng học. Đến thời điểm này, sau nửa năm, các sinh viên vẫn chưa thể tiếp tục học, đứng trước nguy cơ không được cấp bằng tốt nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi chính đáng của sinh viên.

T

Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội là đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (UBND Thành phố Hà Nội) có địa chỉ số 202 đường Hồ Tùng Mậu (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Ảnh: PVHọc phí nộp vào tài khoản cá nhân của phó hiệu trưởng, sinh viên bị “bỏ rơi” giữa chừng

Phản ánh đến Báo Lao Động, sinh viên Ngô Thị Thu Hà (Thái Nguyên) cho biết, tháng 6.2022, trong thời gian nuôi con nhỏ, chị đăng ký học thêm lớp Cao đẳng hệ đào tạo từ xa Khóa 12 ngành tiếng Nhật của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội.

Tuy nhiên, đến ngày 3.11.2024, chị bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một giáo viên hệ đào tạo trực tuyến thông báo nhà trường đang vướng lùm xùm tại các lớp học trực tiếp, nên toàn bộ lớp học trực tuyến buộc phải tạm dừng.

Nhiều lần gọi điện hỏi phương án giải quyết, chị Hà được cô Quyên (giới thiệu là trợ lý của cô Nguyễn Thị Bích Vượng – Phó Hiệu trưởng nhà trường) tư vấn chuyển sang Trường Cao đẳng Kinh tế Du lịch Hà Nội để học tiếp. Nhưng vài ngày sau, cô Quyên lại nói rằng, trường này từ chối tiếp nhận sinh viên từ chương trình E-Learning của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội.

Sau cùng, chị Hà được cô Quyên giới thiệu sang Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội. Tuy nhiên, mức học phí ở trường này rất cao, vượt quá khả năng chi trả khiến chị phải ở lại, tiếp tục chờ đợi trong vô vọng.

Theo chị Hà, đầu năm 2025, khi Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội có lãnh đạo mới là Hiệu trưởng Nguyễn Đình Tân, nhóm sinh viên hệ đào tạo từ xa đã liên hệ với lãnh đạo nhà trường để hỏi khi nào được tiếp tục học, thì nhận được câu trả lời “không biết đến sự tồn tại của nhóm sinh viên này, bởi chương trình này do một tay cô Nguyễn Thị Bích Vượng tuyển sinh, quản lý, không ai biết có bao nhiêu sinh viên, đào tạo ra sao”.

“Tôi đã đóng hơn 24 triệu đồng để theo học chương trình đào tạo từ xa của nhà trường, chỉ còn một kỳ nữa là kết thúc chương trình nhưng lại bị dừng học giữa chừng, không được cấp bằng theo đúng cam kết và quy định. Sự việc này khiến tôi bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm do không có bằng ngoại ngữ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, tinh thần và cả những kế hoạch tương lai của tôi”, chị Hà bức xúc.

Nhiều sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội phản ánh đến Báo Lao Động về việc bất ngờ bị dừng việc học vô thời hạn. Ảnh: PV

Nhiều sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội phản ánh đến Báo Lao Động về việc bất ngờ bị dừng việc học vô thời hạn. Ảnh: PVChị Nguyễn Thùy Trang – sinh viên ngành Kế toán doanh nghiệp hệ E-Learning – cũng chung số phận khi bị Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội tạm dừng đột ngột khi đang theo học hệ đào tạo trực tuyến – dù trước đó, chị đã nộp 13,5 triệu đồng học phí vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Bích Vượng.

Theo chị Trang, sau ba kỳ học, đến giữa năm 2024, sinh viên hệ đào tạo trực tuyến được thông báo nhà trường đang bị thanh tra, điều tra, nên không thể tiếp tục tổ chức giảng dạy. Giáo viên phụ trách lớp hướng dẫn sinh viên chuyển sang Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội, nhưng với điều kiện học lại 2 năm và đóng thêm 25 triệu đồng khiến sinh viên bức xúc.

“Giáo viên phụ trách lớp nói nếu ai không chuyển trường thì tự chịu, cô không còn trách nhiệm gì nữa”, chị Trang nói, đồng thời cho biết, tháng 10.2024, thầy Nguyễn Đình Tân lên làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội và tổ chức họp online với sinh viên hệ đào tạo từ xa.

“Thời điểm đó, thầy Tân hứa hẹn sẽ xử lý và khôi phục hệ thống học tập cho sinh viên. Nhưng đến tận bây giờ, lớp học chưa được tổ chức lại, sinh viên vẫn bơ vơ không biết số phận của mình thế nào. Hồi tháng 3.2025, thầy Tân cho biết, chưa nhận được hồ sơ và bàn giao tài chính từ cô Vượng nên chưa thể giải quyết”, chị Trang bức xúc.

Theo phản ánh của nhiều sinh viên, toàn bộ học phí đều được chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Bích Vượng – người phụ trách chính chương trình E-Learning và hiện đã nghỉ việc.

Toàn bộ sinh viên hệ đào tạo trực tuyến đã đóng đầy đủ học phí

Nhiều sinh viên hệ đào tạo trực tuyến của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội đã đóng đầy đủ học phí, nhưng bị bất ngờ tạm dừng việc học, có nguy cơ không được cấp bằng. Ảnh: PVAnh Lường Văn Tùng (sinh năm 1987, lớp Công nghệ thông tin hệ đào tạo trực tuyến) cho hay, trong suốt thời gian học, Trung tâm E-Learning và cô Vượng chỉ liên hệ khi thu học phí, kiểm tra định kỳ và tổ chức học quốc phòng – an ninh. Bên cạnh đó, hầu như không có bất kỳ cập nhật nào về lộ trình học hay hướng dẫn cần thiết.

“Khi thầy Nguyễn Đình Tân tiếp nhận chức vụ hiệu trưởng có nói với chúng tôi rằng, “không hề biết đến sự tồn tại của nhóm sinh viên này vì chương trình do cô Vượng phụ trách”. Điều này thể hiện rõ sự thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm từ phía ban lãnh đạo nhà trường”, anh Tùng nói, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội, của cá nhân bà Nguyễn Thị Bích Vượng và thầy Nguyễn Đình Tân.

“Sự việc khiến nhiều sinh viên lỡ dở việc học, mất cơ hội việc làm và thăng tiến trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh gay gắt. Tình trạng kéo dài khiến nhiều người bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng”, anh Tùng nhấn mạnh.

Chương trình đào tạo từ xa của cô Nguyễn Thị Bích Vượng giống như hình thức mua bán bằng (?)

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Tân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội – cho hay, khi tiếp quản nhà trường, ông đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng liên quan đến chương trình đào tạo trực tuyến do cô Nguyễn Thị Bích Vượng cùng nhóm cộng sự phụ trách.

Theo ông Tân, vi phạm đầu tiên là về chi phí đào tạo và vấn đề tài chính. Trong quá trình tuyển sinh 2 khóa đào tạo trực tuyến, toàn bộ học phí của sinh viên đều được nộp vào tài khoản cá nhân của cô Vượng, chỉ có một số ít sinh viên chuyển khoản vào tài khoản của nhà trường. Tính đến thời điểm tháng 3.2025, cô Vượng vẫn chưa bàn giao khoản tiền này cho nhà trường.

Sinh viên hệ đào tạo trực tuyến tìm đến phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội hỏi về việc khi nào có thể quay trở lại học. Ảnh: PV

Sinh viên hệ đào tạo trực tuyến tìm đến phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội hỏi về việc khi nào có thể quay trở lại học. Ảnh: PVVi phạm thứ hai liên quan đến chuyên môn. Ông Tân cho biết, toàn bộ phần mềm và học liệu phục vụ chương trình đào tạo từ xa đều do bà Vượng tự chuẩn bị. Nhà trường không được thông báo, cũng không có bất kỳ kiểm duyệt hay đánh giá nào về tính hợp lệ, chất lượng hay sự phù hợp của học liệu với các quy định hiện hành.

“Bản thân tôi không biết nội dung giảng dạy có đúng với quy chuẩn hay không, bởi cô Vượng không hề báo cáo”, ông Tân nói.

Trả lời câu hỏi của sinh viên về những dấu hiệu bất thường trong hệ đào tạo từ xa tại Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Tân cho rằng, trước khi về tiếp quản trường, ông không biết đến sự tồn tại của nhóm sinh viên này.

Trong cuộc trao đổi với PV, ông Tân còn khẳng định, “chương trình đào tạo từ xa của cô Nguyễn Thị Bích Vượng giống như hình thức mua bán bằng (!?)”. Do vậy, ông đã viết đơn gửi lên các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ nội dung này.