Sở Nội vụ Hà Nội hướng dẫn trường hợp cán bộ, công chức phải nghỉ việc hưởng chính sách do sắp xếp bộ máy.

Theo công văn hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách, chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, khi đã rà soát, giải quyết tất cả các trường hợp có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc nhưng vẫn chưa đủ chỉ tiêu để tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu cùng với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thực hiện việc đánh giá theo tiêu chí đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị ban hành.

Việc này thực hiện để sàng lọc, tinh giản những trường hợp có mức đánh giá thấp theo thứ tự từ dưới lên trên cho đến khi đảm bảo đủ chỉ tiêu tinh giản theo quy định.

Tiêu chí được đánh giá căn cứ hướng dẫn số 01/HD-UBND ngày 21/3/2025 của UBND TP về khung tiêu chí và thang điểm đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và giải quyết chính sách, chế độ.

Bên cạnh nhóm phải nghỉ việc để hưởng chính sách, Sở Nội vụ còn quy định rõ về nhóm cán bộ, công chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy phải đảm bảo thuộc một trong các trường hợp cụ thể.

Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại, giải thể, kết thúc hoạt động, tiếp nhận (hoặc điều chuyển) chức năng, nhiệm vụ và biên chế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với yêu cầu của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; đồng thời, phải đảm bảo tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cùng cấp cao hơn so với quy định.

Thứ hai là nhóm không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý làm việc tại các phòng, ban, đơn vị trực tiếp thực hiện hợp nhất, sáp nhập, giải thể; tiếp nhận (hoặc điều chuyển) chức năng, nhiệm vụ và biên chế.

Thứ ba là toàn bộ cán bộ, công chức cấp huyện được xác định là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và thuộc đối tượng áp dụng theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) kể từ ngày cấp huyện kết thúc hoạt động theo quyết định của cấp thẩm quyền.

Cuối cùng là nhóm viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện được tổ chức lại theo địa bàn đơn vị hành chính cấp xã mới được xác định là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và thuộc đối tượng áp dụng theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).

Theo hướng dẫn khung tiêu chí và thang điểm đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, UBND TP Hà Nội nêu, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được điều chỉnh của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khối chính quyền thành phố.

Ngoài tuân theo quy định của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, Nghị định số 67/2025/NĐ-CP, UBND TP Hà Nội nêu rõ nguyên tắc đánh giá được thực hiện theo các tiêu chí của từng nhóm vị trí việc làm phù hợp với đặc điểm tình hình và thực tiễn của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Mỗi nhóm vị trí việc làm có các tiêu chí đánh giá, trọng số điểm khác nhau tùy vào tính chất công việc, vị trí chức vụ.

Kết quả đánh giá tính theo thang điểm 100 điểm dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất. Tổng số điểm đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Điểm này làm cơ sở tham khảo khi cần thiết lựa chọn có số dư để xác định người nghỉ việc.