Dự kiến thời gian tới, sẽ có 6.000 xe ô tô công được giao cho cấp xã sử dụng. Số xe này cơ bản điều chuyển từ cơ quan cấp huyện trước đây.

Ngày 24.4, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), trao đổi với báo chí nhiều nội dung về xử lý tài sản công sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, điển hình như xử lý xe ô tô công.

 Khoảng 6.000 ô tô công được giao cho cấp xã sử dụng sau sáp nhập - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh chia sẻ thông tin với báo chí

ẢNH: ĐAN THANH

Theo ông Thịnh, về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công, trước đây phục vụ công tác chung chỉ đến cấp huyện. Tuy nhiên, hiện nay sắp xếp lại theo hướng chỉ còn 2 cấp, phải điều chỉnh cho phù hợp.

Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2023/NĐ-CP về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô ở cấp xã, mức tối đa là 2 xe/xã.

“Với tính toán như vậy, sẽ có khoảng 6.000 xe ô tô giao cho cấp xã sử dụng. Số xe công từ cấp huyện hiện nay chuyển xuống là tương ứng. Chúng tôi cân đối, tính toán làm sao cho tổng số xe theo quy định mới không vượt quá số xe hiện có”, ông Thịnh nói.

Liên quan tới trường hợp cần phải đưa đón công chức, viên chức, người lao động khi phải thay đổi địa điểm làm việc, ông Thịnh nêu rõ: các cơ quan, đơn vị được phép bố trí xe ô tô hiện có, hoặc bổ sung định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng để mua sắm, hoặc thuê xe ô tô theo quy định để phục vụ việc đưa đón, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Trụ sở dôi dư làm cơ sở y tế, giáo dục

Về sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công nói chung, đặc biệt là trụ sở, ông Thịnh cho biết, nguyên tắc là trụ sở của bộ, ngành, địa phương nào thì trước hết bộ, ngành, địa phương đó phải chịu trách nhiệm sắp xếp trong phạm vi, theo thẩm quyền, trách nhiệm.

 Khoảng 6.000 ô tô công được giao cho cấp xã sử dụng sau sáp nhập - Ảnh 2.

Bộ Tài chính hướng dẫn, xe ô tô chuyên dùng để phục vụ hoạt động đặc thù thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ

ẢNH: ĐAN THANH

Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong quá trình giải quyết, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập một tổ điều phối để thực hiện sắp xếp, bố trí với các trụ sở, công trình của các cơ quan, đơn vị có mối quan hệ giữa T.Ư và địa phương.

“Các bộ, ngành, địa phương phải giao trách nhiệm và bố trí nguồn kinh phí cho bảo vệ, bảo quản, duy trì tài sản công, không được để xuống cấp, mất mát, hư hỏng.

Cạnh đó, cần quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về xử lý trụ sở theo hướng ưu tiên là bố trí hài hòa giữa các cơ quan, đơn vị để khai thác triệt để, hiệu quả nhất”, lãnh đạo Cục Quản lý công sản nói.

Trong công văn hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính mới đây, đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn: ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của T.Ư trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Có thể thực hiện bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng theo các phương thức quản lý.

Các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao…)…