Những ngày qua, liên tiếp các vụ thực phẩm bẩn với hàng chục tấn hàng hoá bị lực lượng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội phát hiện và bắt giữ, trong đó nhiều loại thực phẩm đã bị bốc mùi hôi thối, hỏng mốc. Thực trạng này đã đặt ra những câu hỏi về việc trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu khi thực phẩm bẩn đang được thu gom cũng như mua bán tràn lan trên thị trường?

Liên tiếp thu giữ thực phẩm bẩn: Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý -0

Hàng chục tấn thực phẩm bẩn bị thu giữ

Theo đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng, Phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ chục vụ việc về thực phẩm bẩn. Những thực phẩm bẩn này chủ yếu là thịt, nội tạng động vật, gia cầm như thịt, lòng, nầm trâu bò, lợn, trứng, tràng gà…

Trong quá trình kiểm tra, các loại thực phẩm này đều được cấp đông, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nhiều thực phẩm đã bốc mùi hôi thối, hỏng mốc. Cụ thể, ngày 13/5, Đội 6, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17, Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra đột xuất địa điểm tập kết hàng hóa tại khu đất đối diện ngõ 197, phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 20 thùng xốp dán kín, bên trong chứa 800kg trứng gà non và tràng gà.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Các thùng hàng không có nhãn mác, không ghi rõ nhà sản xuất, nơi sản xuất, cũng như điều kiện bảo quản theo quy định. Chủ hàng khai nhận số hàng hóa trên vừa được thu mua. Toàn bộ lô hàng đã được lập biên bản, niêm phong và đưa về kho lạnh tạm giữ tại quận Hai Bà Trưng để phục vụ điều tra.
Liên tiếp thu giữ thực phẩm bẩn: Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý -0Hơn 10 tấn nội tạng trâu, bò bẩn tại một kho đông lạnh ở huyện Phú Xuyên bị lực lượng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội phát hiện và thu giữ.
Trước đó, ngày 5/5, Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Đội QLTT số 17, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đối với điểm tập kết, kinh doanh thực phẩm có địa chỉ tại Km 12, đường Ngọc Hồi, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội do Lê Hồng Phong, SN 1983, thường trú huyện Diễn Châu, Nghệ An làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện 2.560kg trứng non, 200kg trứng gà, 3.050kg nầm heo, 1.200kg tràng heo (khoảng hơn 7 tấn) là thực phẩm đông lạnh chưa qua sử dụng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổ công tác đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Hay như đêm 28/4, Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hà Nội cũng đã khám xét bất ngờ 3 kho đông lạnh tại thôn Bái Đô, xã Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên và phát hiện hơn 10 tấn nội tạng trâu, bò đang có dấu hiệu hư hỏng, bốc mùi, chảy nước.

Chủ số hàng trên là N.Đ.C, SN 1998, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội. N.Đ.C khai nhận, nội tạng trâu, bò được thu mua trôi nổi trên thị trường qua nhiều nguồn khác nhau. Do vậy, số nội tạng này không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt không có kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, các kho đông lạnh như thế này đều cung ứng ra thị trường hàng trăm kg thịt, nội tạng động vật.

Trách nhiệm thuộc về ai? 

Việc lực lượng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội liên tiếp bắt giữ thực phẩm bẩn trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi lo ngại. Theo chủ của các cơ sở trên khai nhận, số thực phẩm bẩn được thu mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, số thực phẩm bẩn này có thể được tuồn vào các chợ, quán ăn vỉa hè thậm chí cả các nhà hàng trên khắp địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Đặc biệt, với sự phát triển của các kênh bán hàng trực tuyến cũng như mạng xã hội hiện nay, thực phẩm cũng là mặt hàng đang được mua bán một cách tràn lan trên mạng. Chỉ cần lên mạng và gõ cụm từ “bán nầm lợn”, “tràng trứng gà non”, “chân gà rút xương”, “lòng se điếu”… là đã cho ra hàng trăm kết quả của những đầu mối cung cấp những mặt hàng này. Đặc điểm chung những chủ buôn trên mạng là họ đều đảm bảo bằng… miệng rằng những loại thực phẩm này là “hàng tươi sống”, “mới ra lò” hoặc “của nhà nuôi” nên rất… đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên thực tế, những thực phẩm này đều được cấp đông, đóng gói sơ sài khi giao đến khách hàng và hầu hết là không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Như vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta có nhiều cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương như Quản lý thị trường, cơ quan quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí như tại TP Hồ Chí Minh còn có hẳn Sở An toàn thực phẩm mà vẫn để thực phẩm bẩn tiềm ẩn những nguy cơ độc hại đe dọa sức khỏe người tiêu dùng buôn bán, vận chuyển tràn lan. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan này ở đâu? Đặc biệt, vừa qua, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã bị khởi tố vì ăn hối lộ đã khui lộ phần nào sự thật trước ánh sáng. Cùng với việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì những người này còn bị dư luận, đạo đức xã hội lên án. Bởi chỉ vì sức hút của đồng tiền họ – thay vì ngăn chặn đã tiếp tay cho những kẻ làm ăn phi pháp, đầu độc người dân.

Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta lại cảm thấy bất an với bữa ăn hàng ngày của mình như hiện nay ngay cả khi ăn ở nhà cũng như khi đi ăn tại các hàng quán. Bởi lẽ, mỗi khi lật giở các trang báo ra, chúng ta lại đọc những thông tin về các loại thực phẩm bẩn bị bắt giữ, thậm chí là nghi ngờ ngâm tẩm các loại hóa chất độc hại. Bên cạnh việc người dân cần sáng suốt, thông thái khi lựa chọn các loại thực phẩm an toàn thì các cơ quan chức năng cũng cần phải quyết liệt làm rõ trách nhiệm liên quan trong việc để thực phẩm bẩn buôn bán, vận chuyển tràn lan như hiện nay.