Tối 19/5, Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa dối khách hàng”, vì liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera. Vậy cô có bị tước các danh hiệu đã đạt được?
“Ở Việt Nam, Thùy Tiên là Hoa hậu quốc tế đầu tiên bị khởi tố”
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thúc Thùy Tiên về tội “Lừa dối khách hàng” vì liên quan đến vi phạm trong việc sản xuất, buôn bán kẹo rau củ Kera.
Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố Hoa hậu Thùy Tiên (áo hồng) (Ảnh: Bộ Công an).
Nguyễn Thúc Thùy Tiên sinh năm 1998, tại TPHCM. Cô từng đạt danh hiệu Á khôi 1 của Hoa khôi Nam Bộ 2017, lọt vào top 5 Hoa hậu Việt Nam 2018 cùng với giải thưởng Người đẹp Nhân ái. Cùng năm, Thùy Tiên đại diện Việt Nam tham dự Hoa hậu Quốc tế.
Năm 2021, Thùy Tiên tiếp tục đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế và đăng quang ngôi vị cao nhất, trở thành người đẹp Việt Nam đầu tiên giành được ngôi vị này.
Thông tin Thùy Tiên vướng vòng lao lý đang là chủ đề tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người thắc mắc, liệu cô có bị thu hồi các danh hiệu đã đạt được trong thời gian qua?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Vương Duy Biên – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch – cho biết, nếu bị khởi tố, có bản án cụ thể, thì Ban tổ chức của một cuộc thi có sự tham gia của Thùy Tiên có thể sẽ tiến hành thu hồi danh hiệu, giải thưởng của người vi phạm pháp luật.
“Từ trước đến nay, chúng ta chưa từng có tiền lệ tước danh hiệu hoa hậu của một người đẹp nào. Thùy Tiên là Hoa hậu quốc tế đầu tiên ở Việt Nam bị khởi tố”, ông Biên cho hay.
Hoa hậu Bùi Bích Phương là người ngồi ghế giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018, cũng là năm mà Nguyễn Thúc Thùy Tiên thi và lọt vào top 5 Hoa hậu Việt Nam 2018 cùng với giải thưởng Người đẹp Nhân ái.
Bùi Bích Phương cho hay: “Tôi ấn tượng với Thùy Tiên vì cô ấy có hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên khi biết tin cô ấy đạt danh hiệu Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021, tôi mừng vì Tiên là người biết hoàn thiện bản thân.
Khi nghe tin Tiên bị khởi tố, tạm giam vì tội “Lừa dối khách hàng”, tôi thấy tiếc cho cô ấy. Hiện tại, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chưa có động thái gì về danh hiệu Người đẹp Nhân ái của Thùy Tiên”, Hoa hậu Bùi Bích Phương nói.
Theo Hoa hậu Bùi Bích Phương, danh hiệu Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 của Thùy Tiên sẽ do phía Ban tổ chức cuộc thi này quyết định.
“Hiện tại, Thùy Tiên đã hết nhiệm kỳ hoa hậu nên ông Nawat – người sáng lập cuộc thi – sẽ quyết định việc giữ hay tước vương miện”, Bùi Bích Phương cho biết.
Hình ảnh của Thùy Tiên tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 (Ảnh: Chụp màn hình).
Cùng ý kiến với Hoa hậu Bùi Bích Phương, ông Nguyễn Duy Khánh – Đại diện đơn vị mua bản quyền cuộc thi Miss Earth Vietnam (Hoa Hậu Trái đất Việt Nam) – cho biết, ông Nawat giữ bản quyền của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế nên ông này có quyền duy trì hay tước bỏ danh hiệu và vương miện hoa hậu.
“Cuộc thi Thùy Tiên tham gia là Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, mang thông điệp của những điều tốt đẹp, thân thiện nên khi nghe tin cô ấy bị khởi tố, tạm giam, tôi rất buồn.
Nếu sự việc của Thùy Tiên ồn ào quá, Ban tổ chức sẽ thu hồi vương miện. Việc ồn ào liên quan đến Thùy Tiên kéo dài một thời gian như vậy cũng ảnh hưởng tới hình ảnh của cuộc thi”, ông Khánh thẳng thắn nói.
“Người bị buộc tội hay người mới bị khởi tố về hình sự thì chưa được xem là tội phạm”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật – cho biết, người đẹp bị tước danh hiệu là một trong các trường hợp sau: Cá nhân đạt danh hiệu, giải thưởng vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP, cụ thể:
Thứ nhất là chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ 2 là xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Thứ 3 là kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
Thứ 4 là sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Bên cạnh đó, người đẹp bị tước vương miện khi danh hiệu, giải thưởng được trao tại cuộc thi, liên hoan không đúng với nội dung đề án theo hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc nội dung thông báo.
Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ thêm rằng, Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Khái niệm tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc,
Đồng thời những người này cũng xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Do đó, theo quy định, người đẹp có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị tước vương miện, thu hồi danh hiệu.
Tuy nhiên, theo ông Diệp Năng Bình, căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội như sau: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì người bị khởi tố trong vụ án hình sự chính là bị can. Đồng thời, cũng theo điểm Đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì người bị buộc tội bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Thùy Tiên (bên trái), cùng Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục trong một buổi bán hàng trực tuyến (Ảnh: Chụp màn hình).
“Theo quy định nêu trên, người bị buộc tội hay người mới bị khởi tố về hình sự thì chưa được xem là tội phạm. Chỉ khi đã chứng minh được họ phạm tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội hay người bị khởi tố về hình sự mới được xem là tội phạm”, ông Bình cho biết.
News
Ai không nên uống nước lá tía tô?
Tía tô thường được dùng làm gia vị cho các món ăn. Ngoài ra, nó còn được coi là một…
Chú ý khi ăn vải thiều
Vải là loại trái cây thơm ngon, giàu dinh dưỡng, nhiều người vô cùng yêu thích. Mít có nhiều lợi ích…
Nước đỗ đen
Giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, “cứu cánh” mùa hè Nhắc đến nước đậu đen, người ta thường nghĩ ngay…
Ăn dưa hấu cần đặc biệt chú ý: KHÔNG KẾT HỢP VỚI CÁC LOẠI THỰC PHẨM SAU!
Những loại thực phẩm sau cần tránh khi ăn cùng dưa hấu: 1. Dưa hấu và hải sản không phải…
3 loại trái cây quen thuộc có chứa “độc tố”
Đặc biệt vào mùa hè, môi trường bảo quản và ăn trái cây có thể ảnh hưởng đến độ an…
1 bộ phận của cá độc hơn cả thuốc độc
Theo Sohu, gần đây, tại Tiềm Ninh, bà Vũ trong lúc làm cá khô đã uống thẳng một viên mật…
End of content
No more pages to load