Thông tư 29 không cấm thầy cô dạy thêm nhưng phải thực hiện theo đúng quy định. Nếu vi phạm, giáo viên sẽ bị xử lý kỷ luật tùy từng trường hợp cụ thể.

Sẽ xử lý kỷ luật giáo viên vi phạm quy định về dạy thêmThông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2. Ảnh: Hải Nguyễn
Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14.2 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhà giáo.

Những điểm mới của thông tư đã thể hiện quyết tâm đưa học thêm dạy thêm về đúng nhu cầu thực của học sinh, phụ huynh. Trong đó, 2 yếu tố quyết định là không tổ chức dạy thêm có thu tiền trong trường và giáo viên không được dạy thêm ngoài trường đối với học sinh của mình.

Một nỗi lo của phụ huynh là liệu Thông tư 29 có được các địa phương, nhà trường, giáo viên tuân thủ chấp hành hay không?

Trao đổi với Lao Động, thầy Hoàng Chí Sỹ – Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, Thông tư 29 không cấm các thầy cô dạy thêm, chỉ yêu cầu dạy đúng theo quy định.

Thời gian qua, nhà trường đã tuyên truyền cho thầy cô thực hiện đúng Thông tư 29, tuyệt đối không được dạy thêm đối tượng là học sinh chính khóa của mình.

“Nhà trường không có chức năng kiểm tra thầy cô dạy đúng hay sai, có đúng đối tượng hay không. Trách nhiệm của nhà trường là tuyên truyền giáo viên thực hiện theo Thông tư 29” – thầy Sỹ nói.

Còn với giáo viên có nhu cầu dạy thêm bên ngoài, thầy Sỹ nhấn mạnh đều phải báo cáo với hiệu trưởng để nhà trường nắm bắt được.

“Nếu các thầy cô giấu diếm, không báo cáo trung thực, sau này có các cơ quan liên ngành kiểm tra phát hiện vi phạm và lập biên bản, nghiễm nhiên nhà trường sẽ xử lý các thầy cô theo đúng quy định” – thầy Sỹ cho hay.

Hiện, giáo viên là viên chức nếu vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm sẽ bị xử lý theo Nghị định 112 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, hiệu trưởng sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để ra quyết định xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh báo đến buộc thôi việc.

Ngoài ra, giáo viên có thể bị xử phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng nếu dạy thêm theo hình thức kinh doanh hộ gia đình mà không đăng ký kinh doanh, từ 25-50 triệu đồng nếu dạy thêm theo hình thức doanh nghiệp mà không thành lập doanh nghiệp.

Còn về phía các trung tâm dạy thêm, thầy Sỹ cho rằng cần phải có trách nhiệm vừa quản lý, vừa hợp đồng với giáo viên giảng dạy, không để vi phạm quy định theo Thông tư 29, trong đó có việc giáo viên dạy thêm đối tượng là học sinh chính khóa của mình.

Kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 tại Hà Nội mới đây, để chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả sớm chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các cấp quản lý cùng quán triệt quan điểm “5 không” và thực hiện tốt “4 đề cao”.

5 không là: Không “đánh trống bỏ dùi”, không thoả hiệp, không khoan nhượng, không biến tướng, không nói khó mà không làm.

4 đề cao là: Đề cao vai trò cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đề cao tinh thần tự tôn, tự trọng, tinh thần hết lòng vì học sinh của giáo viên; đề cao tính tự giác, tự học của học sinh; đề cao vai trò mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, phân tích rõ hệ luỵ, tác hại của dạy thêm, học thêm. Truyền thông hình thành cho học sinh năng lực tự học, thầy cô định hướng tự học. Truyền thông về bệnh thành tích, về điểm số, áp lực, về xếp hạng các trường…

Đối với công tác chuyên môn, Thứ trưởng yêu cầu đảm bảo nâng cao chất lượng giờ học chính khoá, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học của thầy cô, tăng cường giáo dục cá thể hoá. Đồng thời đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá thường xuyên, kiểm tra đánh giá cuối kỳ, cuối khoá; đổi mới phương thức tuyển sinh; phân bố hài hoà đội ngũ giáo viên; đổi mới công tác thi đua khen thưởng đối với giáo viên…