Tiểu Từ là một nam sinh tham dự kỳ thi đại học của Trung Quốc vào năm 2023. Trong suốt quá trình học, cậu luôn duy trì phong độ học tập ổn định, thường xuyên nằm trong nhóm học sinh xuất sắc của lớp. Với thành tích ấy, gia đình và bạn bè đều đặt kỳ vọng rất cao vào kết quả thi đại học của Tiểu Từ.

Ngay sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng, Tiểu Từ rời phòng thi với gương mặt rạng rỡ, đầy tự tin. Cậu nhanh chóng về nhà, cùng bố mẹ tra cứu đáp án và ước tính kết quả. Theo dự đoán của bản thân, cậu có thể đạt khoảng 650 điểm – mức điểm đủ để xét tuyển vào các trường đại học hàng đầu như Thanh Hoa hay Bắc Đại.

Tin tưởng vào sự tự tin của con trai, bố mẹ Tiểu Từ không chần chừ mà chia sẻ tin vui lên mạng xã hội, đồng thời quyết định tổ chức sớm một buổi tiệc ăn mừng. Họ mời đông đảo bạn bè, người thân đến chung vui và nhận được nhiều lời chúc mừng kèm phong bì tiền mừng. Không khí buổi tiệc tưng bừng như thể cậu học sinh đã chính thức đỗ vào trường top đầu.

Tuy nhiên, đến ngày công bố kết quả thi, mọi chuyện hoàn toàn đảo chiều. Khi mở máy tính tra điểm, Tiểu Từ chết lặng khi tổng điểm của cậu chỉ đạt 550, thấp hơn đến 100 điểm so với kỳ vọng ban đầu. Cú sốc này không chỉ khiến cậu thất vọng, mà còn khiến cả gia đình rơi vào tình thế khó xử.

Vừa thi xong, bố mẹ đã vội tổ chức tiệc mừng đỗ đại học: Đến ngày có điểm, họ hàng lũ lượt đến đòi lại tiền mừng- Ảnh 1.

Dù chưa biết điểm, gia đình sĩ tử trên đã tổ chức tiệc linh đình. (Ảnh minh họa)

Dù cảm thấy rất xấu hổ, bố mẹ Tiểu Từ vẫn quyết định giữ im lặng, không công khai điểm thật. Họ hy vọng có thể giấu kín sự việc để tránh lời ra tiếng vào, nhất là sau khi đã tổ chức tiệc linh đình và nhận nhiều quà mừng.

Thế nhưng, điểm thi đại học là thông tin được công khai và ai cũng có thể kiểm chứng. Chỉ vài ngày sau, bạn bè và họ hàng bắt đầu nghi ngờ khi không thấy tên Tiểu Từ trong danh sách trúng tuyển vào các trường top. Những lời bàn tán xuất hiện ngày một nhiều, thậm chí có người trực tiếp hỏi và yêu cầu… hoàn lại tiền mừng.

Một số người thân tỏ rõ sự bức xúc, cho rằng gia đình Tiểu Từ đã lừa lòng tin để nhận quà mừng trong khi chưa có kết quả chính thức. Có người còn nói thẳng: “Ngay cả khi đạt 600 điểm thì cũng không cần tổ chức rầm rộ như vậy, huống gì chỉ được 550”.

Trước áp lực từ dư luận và vòng xoáy bàn tán, bố mẹ Tiểu Từ cuối cùng đành phải chủ động liên hệ từng người để trả lại tiền mừng, kết thúc trong bối cảnh “dở khóc dở cười”.

Khi tiệc mừng đại học trở thành cuộc đua thể hiện “thể diện”

Từ câu chuyện của Tiểu Từ, có thể thấy rõ một thực tế đáng lo ngại: việc tổ chức tiệc mừng đỗ đại học ở một số nơi đã dần trở nên hình thức và mang nặng yếu tố khoe mẽ. Nếu trước đây, tiệc tri ân thầy cô hay mời bạn bè đến chia vui là những buổi gặp mặt chân thành và giản dị, thì nay, không ít phụ huynh coi đây như một dịp để thể hiện đẳng cấp, thậm chí là cơ hội để thu lời.

Tổ chức tiệc mừng thi đỗ không phải là điều xấu bởi sau mười mấy năm đèn sách, bất cứ học sinh nào cũng xứng đáng được tôn vinh. Thế nhưng, việc tổ chức tiệc trước khi có kết quả chính thức, thậm chí rầm rộ như một “đại hỷ”, lại là biểu hiện của sự nôn nóng, phù phiếm. Nhất là khi mục đích chính không còn là chia sẻ niềm vui với người thân, mà trở thành công cụ để phụ huynh phô trương hoặc xây dựng mối quan hệ.

Vừa thi xong, bố mẹ đã vội tổ chức tiệc mừng đỗ đại học: Đến ngày có điểm, họ hàng lũ lượt đến đòi lại tiền mừng- Ảnh 2.

Đừng biến tiệc mừng đại học trở thành cuộc đua thể hiện “thể diện” (Ảnh minh họa)

Đáng nói hơn, chính học sinh – những người nỗ lực thật sự lại vô tình trở thành công cụ trong cuộc “thể hiện bản thân” của người lớn. Từ nhân vật chính, các em bị biến thành cái cớ để cha mẹ “đối nhân xử thế”, còn áp lực thành tích thì đè nặng lên vai từ trước cả khi biết điểm.

Trong xã hội hiện đại, không thể phủ nhận vai trò của danh vọng và vật chất, nhưng không phải điều gì cũng có thể dùng tiền bạc để đo đếm. Niềm vui đỗ đại học nên là một khoảnh khắc trong sáng, đáng nhớ. Tiệc mừng thi đỗ, nếu được tổ chức chân thành và đúng lúc, sẽ là cách tuyệt vời để động viên con cái tiếp tục cố gắng và là dịp ý nghĩa để tri ân thầy cô đã đồng hành suốt hành trình học tập. Nhưng nếu biến nó thành một cuộc “chạy đua sĩ diện”, hậu quả không chỉ là xấu hổ tạm thời, mà còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của chính người trong cuộc như cách mà Tiểu Từ đã phải trải qua.